Nón lá nghiêng che
Ở miền quê mỗi khi ra đường các thôn nữ thường đội nón. Đó là những chiếc nón được chằm bằng lá với những sợi cước mảnh hơn sợi tóc đều tăm tắp. Nón mới trắng bóng cầm nhẹ tênh.
Miền Trung có nhiều nơi sản xuất nón, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là nón xứ Huế với nón bài thơ, nón Gò Găng. Nón Gò Găng làm hết sức công phu dành cho người đứng tuổi hoặc người già, còn nón bài thơ thường dành cho con gái. Trong chiếc nón lá xinh xinh ấy các nghệ nhân đất kinh kỳ thường khéo léo ghép những cánh hoa cắt bằng giấy màu và có cả những bài thơ nói về xứ Huế mộng mơ, cổ kính. Nhạc sĩ An Thuyên đã từng thả hồn phiêu lãng: “Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón/Em cầm trên tay ra đứng bờ sông...”.
Dường như nón bài thơ có duyên nợ với chiếc áo dài tự thuở nào? Cứ mỗi lần nhìn các nữ sinh, các hướng dẫn viên du lịch mặc áo dài, đội nón bài thơ e ấp là ta thấy hiện lên vẻ đẹp thanh tao, thánh thiện mê đắm lòng người.
Ngày chị tôi đi lấy chồng đơn sơ lắm! Cũng tà áo dài với chiếc nón bài thơ, chị gạt nước mắt bước theo chồng che nghiêng vành nón sợ đau lòng mẹ già, em thơ khi về làm dâu nhà người không biết sẽ như thế nào.
Bây giờ nhà nào cũng có xe máy. Ra đường, con gái phóng xe máy vèo vèo, đầu đội mũ, mặt che kín bằng khẩu trang, chừa duy nhất đôi mắt đen hấp háy chẳng biết ai là ai. Đâu còn những nữ sinh áo dài thước tha, yêu kiều, đội nón bài thơ nghiêng nghiêng trong nắng của những buổi tan trường, đâu còn những cô gái thư thả đạp xe tóc buông dài sau vành nón duyên dáng. Gặp con trai tán tỉnh, các nàng che nghiêng vành nón thẹn thùng rất nữ tính, dễ thương.
Chỉ có những thôn nữ một nắng hai sương trên đồng, các mẹ chị chạy chợ và những cô dâu mới ở miền quê sau ngày cưới là còn đội nón bài thơ. Nhưng những chiếc quai nón ngày nay không cầu kỳ như ngày trước. Người ta không còn xem trọng chiếc nón, bởi nhiều loại mũ đỏm dáng ra đời thích nghi với mọi hoàn cảnh học tập, sinh hoạt, du lịch...
Là đàn ông thôn dã chắc ai cũng xao lòng khi nhìn những thôn nữ mặt đỏ hồng ướt rịn mồ hôi, đặt gánh mạ, gánh lúa ngồi nghỉ ven đường, lấy chiếc nón bài thơ quạt mát như điệu múa, nhoẻn miệng cười duyên. Cái chất duyên quê đằm thắm ấy theo ta suốt một đời dẫu mai kia làng quê trở thành nơi phồn hoa đô hội.
Ta không hề ngạc nhiên khi khách du lịch đến Việt Nam nhìn những cô gái Việt đội những chiếc nón bài thơ bằng cái nhìn thích thú, ngưỡng mộ. Chiếc nón bài thơ qua nhiều thế hệ đã làm tôn vẻ đẹp mặn mòi, duyên dáng, nên thơ của người con gái Việt Nam - đó là nét đẹp đặc trưng truyền thống mà có lẽ nó sẽ còn tồn tại mãi mãi.
Trần Quốc Cưỡng
Ý kiến bạn đọc