Multimedia Đọc Báo in

Thương lạ

08:51, 02/01/2017

Nhắc đến bà ngoại, Yên thường nhớ đến bàn chân Giao Chỉ của bà với hai ngón cái trẹo ra ngoài, lũ ngón nhỏ còn lại cũng bắt chước khum theo. Bàn chân đặc biệt quá nên hình như cả đời ngoại chỉ mang được mỗi kiểu dép tông. Mỗi bước đi của bà nhìn có cảm giác như bám rất chắc vào nền đất, trông rất nặng nề.

Hai ông bà đã sống khá lâu với con cháu. Tính bà vốn dĩ mạnh bạo, lạnh lùng, hay cáu gắt nên hồi đó Yên không thích gần gũi mấy.

Rồi mắt bà bị mờ đục. Giai đoạn đó ông hay chơi khăm bà, nhiều trò đối đáp làm con cháu cười ngặt nghẽo. Ðã không nhìn thấy gì, lại còn bị lừa, bà bực và rủa ông suốt.

Khi bà được Nhà nước tài trợ mổ mắt thay cườm và nhìn thấy ánh sáng trở lại thì tới lượt ông dò dẫm, quờ quạng trong bóng tối. Cãi nhau gần như cả đời, nhưng khi ông bệnh liệt giường, vẫn là bà bên ông dù miệng lúc nào cũng mắng sa sả.

Có lần giữa trưa, bà lôi ông ra giếng tắm cho bằng được, vừa kỳ cọ vừa la ông ở dơ, có lúc kỳ mạnh tay quá làm ông đau phải kêu la: "Bà quơi, bãi đi"…

Sau khi ông mất, bà chống gậy đi thăm người quen khắp lượt. Ở tuổi 80, bà trở nên điềm tĩnh, dịu dàng hơn, nhưng vẫn ăn uống, đi lại cứng cỏi như thường. Bà có "máu" hát bội, nhiều khi ngồi một mình, miệng lẩm nhẩm ca mà tay vỗ đùi theo nhịp. Ðôi lúc cao hứng, bà đứng dậy, vừa hát "ứ..ự…", vừa vung tay chân ra bộ trong ánh nhìn đầy ngỡ ngàng của đám con cháu.

Khi Yên đi học xa, mỗi lần về thăm nhà, bà ngoại luôn hỏi: "Học nhiêu lâu nữa thì mãn?". Ngày đi, trong lúc cô lui cui thu dọn hành lý thì bà cứ luẩn quẩn ngay cạnh. Ðợi khi chỉ còn hai bà cháu, ngoại mới kéo Yên lại gần rồi giúi vào tay cô tờ tiền lúc 20 ngàn đồng, khi 50 ngàn đồng. Yên hay nói: "Ít quá, con tiêu không đủ gì hết đâu nên ngoại khỏi cho", ngoại liền xòe hết xấp tiền còn lại với những tờ một ngàn, hai ngàn, năm ngàn nhăn nheo và bảo: "Vậy muốn lấy nhiêu nữa thì mầy lấy đi". Ðể rồi cuối cùng sẽ là vẻ giận dỗi buồn xo của ngoại vì nghĩ cho tiền mà cháu nó không thèm lấy.

Vậy mà ngoại cũng đã đi mấy mùa rồi...

Có những cách thương thiệt lạ. Như bà với ông ngoại Yên. Hay như má Yên, lúc ông bà ngoại còn sống, má hay chăm, đi đâu cũng nhớ mua đồ ăn về cho nhưng miệng thì hay rầy trách chứ hiếm khi nói năng ngọt ngào. Cái cách của má gieo cho cô ý nghĩ má không thương ông bà.

Nhưng rồi cái ngày ông đi, Yên thấy má chui vào buồng nằm khóc rấm rứt một mình mãi không chịu ăn uống gì suốt mấy ngày. Ðám tang bà, Yên bận việc quan trọng nên đã không thể về dự. Mấy tháng trời sau đó cô được nghỉ phép về nhà, trong câu chuyện về bà, lần nào kể má cũng khóc đỏ gay mắt mũi.

Thương, hóa ra đâu chỉ là âu yếm vỗ về. Còn có kiểu thương đến lạ lùng. Trong lòng cứ đau đáu hướng về mà ngoài mặt lại luôn hững hờ, làm như ghét bỏ. Qua thời gian, đến một lúc nào đó rồi người kia cũng sẽ ngộ ra tấm chân tình để tìm về xích gần lại.

Nhưng có nhiều chuyện hóa thành buồn vì đợi đến khi hiểu thấu nhau rồi thì đã thành ra quá trễ…     

Ðỗ Kiều


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Đường quê yêu dấu
14:25, 31/12/2016
Nỗi nhớ dã quỳ!
10:50, 31/12/2016
Thao thiết sông quê
10:48, 31/12/2016
Yêu lắm đôi tay mẹ
09:52, 28/12/2016
Cơm cháy ngày cũ
18:09, 27/12/2016
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.