Multimedia Đọc Báo in

Hương cau ngày cũ

11:11, 03/04/2020

Trở về quê nhà giữa mùa cau nở mà lòng cứ dâng lên bao nỗi niềm khó tả. Quê tôi là một xóm nhỏ thanh bình, nằm lọt thỏm giữa vùng quê bốn mùa ngát hương cây trái. Con ngõ quanh co dẫn lối đi về lúc nào cũng có bóng dáng của những thân cau nối dài, rợp mát cả lối đi chung. Nơi ấy chất chứa biết bao kỷ niệm ngọt ngào thời thơ ấu.

Từ thuở nhỏ, tôi thường thích ngắm nhìn những thân cau mọc thẳng trong khu vườn của nội. Những cây cau được trồng cẩn thận, xếp thành từng hàng ngay ngắn, quanh năm xòe rộng tán lá che mát cả khoảng sân hè. Ngước mắt lên cao, bầu trời như bé lại, hai màu xanh kết hợp một cách hài hòa để từng áng mây lả lướt trôi như một nét chấm phá sinh động cho bức tranh bầu trời tuyệt sắc. Mãi tới bây giờ vườn cau ngày cũ vẫn là chốn để tâm hồn tôi nương náu sau những chuyến đi dài nơi ồn ào phố thị.

Quê nhà lúc nào cũng giản dị, thanh bình. Tôi ngây ngất trong hương cau thơm ngát. Vào mùa cau nở, qua khắp ngõ dài hay vườn của nội, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của cau trắng. Hoa cau thơm dìu dịu, lại chẳng mau tàn nên mùi hương được giữ rất lâu. Hoa cau mang dáng vẻ ngọc ngà, nụ nhỏ xinh như hạt ngọc nối liền nhau san sát. Chính bởi thế mà có một thời tôi và lũ trẻ nít hay hái nụ cau kết thành sợi chuỗi. Đó là món trang sức dành tặng cô dâu trong đám cưới trẻ thơ mà tiếng cười khúc khích ngày nào còn thi thoảng gọi về.

Minh họa:   Trà My
Minh họa: Trà My

Hoa cau thơm nồng nàn vào buổi sáng, những lúc ra vườn dạo mát, làn gió ban mai nhè nhẹ thổi qua làm hương cau vỡ òa, lấp đầy không gian trong trẻo. Những chú ong bầu hay quanh quẩn bên cánh hoa mới nở, cuộn tròn như mấy hòn bi đen, vỗ cánh vù vù tạo ra thứ âm thanh vui tai quen thuộc của ngày thơ... Từng buồng cau nở trắng là sự đền đáp xứng đáng cho công người vun vén bấy lâu. Rồi ngày lại ngày qua, cau kết trái, trái cau dần xanh thêm và trở thành những buồng cau no tròn xinh xắn. Đến mùa thu hoạch, tôi lại có dịp tròn mắt thích thú ngắm nhìn người hái cau điệu nghệ chuyền từ cây này sang cây khác. Thân cau mọc thẳng từ đất mẹ yên lành nên chúng cũng dẻo dai đến lạ kỳ. Trong suốt những tháng năm dài, cau cùng trầu của nội đã xây nên bao mối duyên lành êm ấm.

Thân cau lớn dần theo thời gian, nhiều lần thay áo mới. Tàu lá già đi, khô dần rồi rụng xuống. Thuở trước tôi thích nhặt tàu mo để kéo. Cô bạn láng giềng là hành khách quen thuộc nhất trên chiếc tàu mo mà tôi là người phu kéo đi khắp nẻo vườn nhà. Chúng tôi cùng lớn dần, mỗi buổi tan trường đều có bóng cô cậu học trò cùng chung bước trên con đường tỏa mát  bóng cau. Đó là từng chiều vàng sợi nắng xuyên qua những cánh hoa trắng muốt, tôi thường làm dây chuyền hoa cau tặng cho cô bạn học trò mà nhịp tim cứ rung như nhịp trống. Mỗi lần chợt nhớ, tôi lại bâng khuâng tự hỏi người xưa giờ ở tận phương nào?

Vẫn vẹn nguyên trong tiềm thức là những đêm trăng ngà. Nội ru tôi vào giấc ngủ bằng chiếc quạt mo cau đơn sơ, bình dị. Nội kể tôi nghe cổ tích ngày xửa ngày xưa, dạy cho tôi thuộc nằm lòng từng câu ca dao có miếng cau, miếng trầu vẹn tình nhân nghĩa. Đêm trăng thì thầm hương cau nở nộ. Hít hà thứ mùi hương dân dã, đượm nồng mà giấc ngủ thêm sâu...

Về lại quê nhà thăm hàng cau năm cũ, hoa cau vẫn đều đặn từng mùa khoe sắc, chỉ tiếc hình bóng nội tôi đã về cõi vĩnh hằng. Khu vườn cũ vẫn còn xanh màu cau thắm, thân cau già tựa hình bóng nội hôm nào vẫn dõi theo từng bước chân tôi. Đi giữa mùa cau nở, tôi được chìm đắm trong ký ức ngọt ngào, được cảm thấy tâm hồn thanh khiết để vững bước trên muôn nẻo hành trình phía trước.

Thụ Nhân


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Vuông cỏ cuộc đời
08:14, 29/03/2020
Thời thơ ấu chưa xa
08:34, 25/03/2020
Nhớ đồng...
17:23, 14/03/2020
Xao xác tiếng gà trưa
06:26, 08/03/2020
Nhớ ngọn gió đồng
09:34, 01/03/2020
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.