Multimedia Đọc Báo in

Thương những ngày mưa

09:34, 25/09/2020

Mùa này, mưa mút trời trắng xóa. Ngồi trong văn phòng nhìn mưa mù mịt mà lòng tôi không yên. Một chút lo âu thoáng qua. Rồi hoài niệm cứ thế ùa về. Những ngày mưa thương nhớ. Quê nhà bình yên nép dưới màn mưa trắng xóa…

Nỗi nhớ bắt đầu từ tiếng thở dài của mẹ: “Mưa gì mà mưa lắm thế!”. Những ngày mưa dầm, mẹ không thể ra đồng hay chạy chợ được, mẹ sẽ ngồi bên hiên nhà khâu nón. Mẹ tôi có một cái nghề phụ là làm nón từ lá cọ - tận dụng nguyên liệu sẵn có để thêm chút đồng ra đồng vào. Chốc chốc mẹ lại dừng tay, đưa ánh mắt xa xăm nhìn mưa tuôn, như có một nỗi niềm gì đó cần bầu bạn, tâm sự. Dường như mưa khiến cho con người ta càng thêm u buồn thì phải. Bởi tôi chẳng bao giờ thấy nụ cười của mẹ khi trời mưa. Mấy chị em tôi ngoan ngoãn ngồi học bài, cắm cúi giải toán, làm văn; thi thoảng chán lại chạy ra phụ mẹ làm nón.

Nhớ những ngày mưa ngồi bên mẹ thật thích. Khi đó tôi sẽ được nghe mẹ thủ thỉ bao điều. Từ chuyện ngày xửa ngày xưa mẹ còn bé tí, rồi chuyện tình của mẹ, cơ duyên lấy ba và sinh ra chị em tôi. Chuyện mẹ kể nghe hoài, nghe mãi mà không chán. Cứ mỗi lần kể là có một tình tiết mới. Cũng nhờ thế mà tôi biết ngày mang thai tôi mẹ nghén thèm ăn khoai sống quá trời, thèm đến nỗi ngày nào mẹ cũng phải ăn vài củ mới thỏa cơn thèm. Tôi sinh ra bụ bẫm, ba mẹ đặt biệt danh cho tôi là Khoai. Ngày mưa bên mẹ, thấy thời gian trong một ngày thật hạnh phúc. Làm xong nón, chúng tôi nì nèo mẹ vào bếp làm món khoai xéo, nấu chè bí đỏ với đậu đen. Trong không khí se se lạnh, hơi mưa tạt vào, cầm bát chè bí hay bát khoai xéo mới sung sướng làm sao. Ăn đến no căng bụng thì thôi. Ðó cũng là món mà tôi nhớ nhất khi trời mưa. Mỗi lần nhắc đến bụng lại cồn cào đói, vì nhớ, vì thèm.

  Minh họa: Đức Văn
Minh họa: Đức Văn

Những ngày mưa nhỏ, mẹ mặc áo tơi, đội nón ra đồng. Mùa này mẹ đã gieo hạt rau để lấy rau ăn và bán. Rau mẹ gieo nhiều nhất vẫn là các loại rau cải: cải bẹ, cải xoong, cải thìa rồi thì cải đắng. Mẹ chăm rau tỉ mẩn, nhổ từng cây cỏ bé xíu để cho rau phát triển, tốt tươi. Rau lớn, mẹ nhổ về bó lại từng bó rồi mang ra chợ bán. Cứ thế mẹ cần mẫn góp nhặt từng đồng bạc lẻ gom góp đóng tiền học cho chị em tôi. Mẹ còn trồng mấy loại hoa cúc trước nhà. Hoa mẹ trồng nở rực rỡ vào mùa thu, tỏa hương nồng nàn.

Những ngày mưa, trẻ con trường làng đi học, bập bõm trong vũng nước. Nước mưa tạt vào ướt bết hết cả tóc. Mỗi lần băng qua cánh đồng, nơi con đường nối từ nhà tới trường tôi lại run lên vì lạnh. Con đường đất đỏ, ổ voi, ổ gà nhiều vô kể. Lòng thầm ước giá như có một con đường nhựa băng qua, để đôi chân được ráo, sạch sẽ hơn. Hơn hai mươi năm trôi qua, niềm mơ ước đó bây giờ đã thành hiện thực. Làng quê đổi mới, lòng thật vui làm sao. Ðám bạn gặp lại ríu rít ôn chuyện, buồn tủi ôm nhau khóc cười.

Nhớ những ngày mưa, đêm nghe tiếng ếch nhái mà cồn cào gan ruột. Chạy vội vào trong nhà cầm đèn pin, xách giỏ đi soi ếch. Rủ thêm một vài “đồng bọn” nữa. Loanh quanh mấy tiếng đồng hồ là có ngay giỏ ếch đầy ú ụ. Ếch được người ta ví như món “gà đồng” ăn ngon hết sảy, ếch om măng, ếch kho mặn, ếch xào sả lá lốt, cháo ếch… món nào cũng đều rất tuyệt. Thế mà hôm lâu cũng vào mùa mưa, điện thoại về cho mẹ, mẹ kể giờ quê chẳng còn nghe tiếng ếch nhái nữa. Phần vì ruộng đồng người ta quy hoạch làm nhà máy, nhà xưởng, chỗ thì sử dụng thuốc trừ sâu nhiều quá, ếch cũng như các loài khác không thể sống được. Lòng quặn thắt nhớ ngày xưa. Vậy mà tôi cứ tưởng sẽ còn được trở lại khoảnh khắc ngày xưa đi soi ếch về làm một bữa lẩu với rau đồng nội ăn cho đã đời. Cái viễn cảnh ấy giờ còn đâu.

Những ngày mưa ở quê là chuỗi ký ức thật dịu êm. Thương những dịu dàng một thời nghèo khó nhưng bình yên quá đỗi. Bao năm bàn chân đi khắp bốn phương trời, tôi vẫn chỉ nhớ mỗi ngày mưa quê mà thôi. Bởi nơi đó đã hằn sâu vào trái tim bé nhỏ của tôi những ký ức thật khó có thể nào phai.

Nguyễn Văn Chiến

 

Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.