Thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh
Nghị định 83 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông mới được ban hành được đánh giá sẽ tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh cao, lành mạnh theo cơ chế thị trường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20-9 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông. Giới phân tích cho rằng, Nghị định này sẽ tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo đảm cho các doanh nghiệp viễn thông cùng phát triển và tránh được tình trạng các doanh nghiệp lớn lợi dụng sức mạnh của mình cản trở các doanh nghiệp khác tham gia thị trường. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định chặt chẽ hình thức xử phạt để buộc nhà mạng tuân thủ các chính sách của nhà nước và quyền lợi khách hàng. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2011.
Phạt hành vi cản trở việc xâm nhập thị trường và bù chéo
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, Nghị định này quy định, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nắm giữ phương tiện thiết yếu thực hiện bù chéo các dịch vụ viễn thông để cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị phạt từ 70 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nắm giữ phương tiện thiết yếu sử dụng thông tin của doanh nghiệp khác để cạnh tranh không lành mạnh cũng sẽ bị phạt từ 70 - 100 triệu đồng.
Nghị định này cũng quy định, doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nắm giữ phương tiện thiết yếu không thực hiện thống kê hoặc kế toán riêng đối với dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế, không cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp viễn thông khác thông tin kỹ thuật về phương tiện thiết yếu hoặc thông tin thương mại liên quan cần thiết để cung cấp dịch vụ sẽ bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu sử dụng ưu thế về mạng viễn thông, phương tiện thiết yếu để cản trở việc xâm nhập thị trường, hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác. Doanh nghiệp viễn thông không thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông trước khi tiến hành tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% trở lên trên thị trường dịch vụ liên quan sẽ bị phạt từ 50 – 70 triệu đồng.
Hiện trên thị trường viễn thông có Viettel và VNPT đang nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh. Vì vậy, các điều khoản quy định về cạnh tranh trong Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông sẽ tác động chính tới Viettel và VNPT.
Sở hữu chéo cao hơn quy định sẽ bị phạt
Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, nếu doanh nghiệp sở hữu trên mức quy định đối với vốn điều lệ hoặc cổ phần trong hai hay nhiều doanh nghiệp viễn thông khác nhau cùng kinh doanh dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin-Truyền thông quy định sẽ bị phạt từ 70 – 100 triệu đồng. Mức phạt trên cũng sẽ được áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp viễn thông nắm cổ phần chi phối không đúng quy định đối với doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Nghị định này cũng quy định sẽ phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng đối với hành vi không cơ cấu lại vốn sở hữu đối với doanh nghiệp viễn thông thuộc danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Giới phân tích cho rằng, Nghị định này trước mắt sẽ tác động mạnh đến VNPT bởi trước đó Nghị định 25 hướng dẫn Luật Viễn thông đưa ra quy định: Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ, thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin-Truyền thông quy định.
Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục viễn thông, Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết, hiện nay, VNPT đã có một mạng di động là VinaPhone sau đó lại sở hữu thêm một mạng khác là MobiFone, cho nên cần phải có lộ trình thoái vốn xuống dưới 20% ở 1 trong 2 mạng di động này. Việc hạn chế sở hữu chéo 20% ở đây là áp dụng cho công ty mẹ VNPT, các công ty con VNPT hoàn toàn có quyền sở hữu cổ phần MobiFone - miễn đây là công ty hạch toán độc lập. Ông Hải còn cho biết: "Tại điều cuối cùng của Nghị định 25 có quy định: Riêng đối với các tập đoàn nhà nước thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thay đổi tổ chức như thế nào phù hợp với kinh tế Nhà nước. Ngay sau khi Nghị định này có hiệu lực, Bộ Thông tin-Truyền thông sẽ có văn bản yêu cầu VNPT tự chủ động đề xuất lộ trình thoái vốn ở MobiFone hoặc VinaPhone. Trên cơ sở các phương án đề xuất của VNPT, Bộ sẽ thẩm định trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình cho VNPT thực hiện”
Ý kiến bạn đọc