Multimedia Đọc Báo in

Hoa Lư - kinh đô đầu tiên của nước Việt

14:58, 11/06/2010

 

Vùng đất Hoa Lư trước đây trải rộng hơn 10 làng xã của hai huyện Gia Viễn và Gia Khánh, bây giờ là đất huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Thuở xưa, các vua chúa gọi đất này là châu Trường Yên.
Ngược dòng lịch sử năm 967, sau khi dẹp tan loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy động Hoa Lư làm kinh đô đầu tiên ở nước ta. Khi Lê Hoàn lên ngôi, tiếp nối nhà Đinh lập ra triều đại mới – nhà Tiền Lê – vẫn lấy Hoa Lư làm kinh đô. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, triều thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi lập ra nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ vẫn lấy Hoa Lư làm kinh đô, cho đến năm 1010 mới dời đô đến Thăng Long, một vị trí trung tâm của cả nước lúc bấy giờ, đồng bằng phì nhiêu, dân cư đông đúc, giao thông thuận tiện.
 

Hoa Lư có nghĩa là “hoa lau”. Theo Hán Tự, lư đọc thành lô, có nghĩa là lau (sậy). Phải chăng người xưa muốn kỷ niệm nơi này bằng cách lấy cái tên rất có ý nghĩa và cũng rất nên thơ. Bởi lẽ, Đinh Bộ Lĩnh vốn là vị anh hùng dân tộc xuất thân từ mục đồng thích chơi cờ lau tập trận ngay từ thuở ấu thơ.
Kinh đô Hoa Lư nằm giữa một vùng sơn thủy hữu tình, núi non trùng điệp. Những núi đồi vòng đai như tấm bình phong, sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt phòng thủ, tiến thoái cũng dễ dàng. Hoa Lư nằm ở ngã ba đường, phía đông có đường thiên lý ra Bắc vào Nam, phía tây có đường Thượng đạo đi vào Thanh Hóa, phía bắc có sông Hoàng Long thông ra sông Đáy. Chọn Hoa Lư, Đinh Bộ Lĩnh đã khéo kết hợp được cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Khu thành Hoa Lư có qui mô rộng lớn, có nhiều tuyến liên hoàn, rộng đến 300 ha. Thành chia làm hai khu là khu trong và khu ngoài. Hai khu thông với nhau bằng một lối đi nhỏ hẹp và hiểm trở. Mỗi khu còn chia ra làm nhiều vòng, nhiều tuyến nhỏ. Theo truyền thuyết thì cung điện được xây ở thành ngoài. Ở phía đông có lối đi chính vào thành.
Sách Việt sử lược có chép: “Năm Giáp Thân (964), niên hiệu Thiên phúc thứ tư, xây dựng Bát Bảo Thiên Tuế ở núi Hỏa Vân, phía đông xây điện Trường Lưu, phía tây xây điện Vinh Hoa, bên trái xây điện Bồng Lai, bên phải xây điện Cực Lạc, rồi lại dựng lầu Hỏa Vân và điện Trường Xuân…”.
Sách Đại Nam nhất thống chí lại chép: “Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê ở xã Trường Yên Thượng, Trường Yên Hạ về phía tây bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các danh hiệu: Cầu Đông, cầu Dền, cầu Muống, Tràng Tiền, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… nền cũ vẫn còn. Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đều dùng các danh hiệu ấy”.
Ở Hoa Lư còn lưu hai di tích: đền vua Đinh và đền vua Lê, là những công trình kiến trúc nổi tiếng từ thời nhà Lý. Đền vua Đinh ở làng Trường Yên Thượng và còn gọi là đền Thượng. Đền quay về hướng đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dạng giống như cái yên ngựa. Trước cửa đền có sạp đá chầu được chạm trổ rất khéo. Ngôi đền chia làm ba gian với những mái ngói ống màu xám phủ đầy rong rêu trông càng cổ kính. Gian giữa có tượng vua Đinh bằng đồng sơn son thếp vàng. Hai bên có tượng Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Trước đây, hằng năm xuân thu nhị kỳ có mở hội Trường Yên, diễn lại trận cờ lau và có tục đánh đòn Đỗ Thích, kẻ đã ám sát nhà vua.
Cách đền vua Đinh một quãng là đền vua Lê Đại Hành. Vì đền dựng ở làng Trường Yên Hạ cho nên còn gọi là đền Hạ. Đền vua Lê cũng xây từ thời nhà Lý, phong cách trang trí rất giống đền vua Đinh. Năm 1929, đền vua Lê được tu sửa lại như ngày nay.
Còn lăng vua Đinh và lăng vua Lê đều ở trên núi Mã Yên, xây từ năm 1840 (đời Minh Mạng thứ 21) và được trùng tu vào năm Hàm Nghi thứ nhất (1885). Muốn lên thăm lăng, du khách phải bước lên 150 bậc đá núi. Đứng ở lăng hai vua, du khách có thể nhìn rõ toàn cảnh cố đô Hoa Lư: phía trước núi Mã Yên là dãy núi Rú bao quanh đền vua Đinh và vua Lê; rặng Phi Vân trông như đám mây bay, đó là núi Kiến chót vót, núi Cột Cờ sừng sững khiến cho kẻ hậu sanh mường tượng đến quang cảnh đoàn quân Vạn Thắng đang rầm rập trẩy quân.
Ngày nay, về thăm lại đất Hoa Lư lịch sử cũng là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp hoành tráng của toàn bộ khu di tích, ghi dấu một thời mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm trước…

Nguyễn Nhân Thống

Ý kiến bạn đọc