Multimedia Đọc Báo in

Đền Bạch Mã - một trong Thăng Long tứ trấn

10:01, 14/08/2010

Đền Bạch Mã tọa lạc ở 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thuở xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức của kinh thành Thăng Long.

Đền Bạch Mã là một trong những ngôi đền cổ nhất ở thủ đô được xây dựng trước khi có kinh thành Thăng Long và là một trong tứ trấn của Thăng Long xưa. Đền thờ thần Long Đỗ và thần Bạch Mã  (Ngựa trắng).

Theo truyền thuyết, vào nửa cuối thế kỷ IX, viên quan cai trị thời Bắc thuộc là Cao Biền, khi đắp thành Đại La nằm mộng thấy thần Long Đỗ hiển linh. Thần Long Đỗ tức thần núi Long Đỗ, còn gọi là núi Nùng, nơi rốn của con rồng Thăng Long, là điểm kết tụ khí thiêng sông núi kinh thành.

Với âm mưu diệt trừ các vị thần linh trong tâm thức người Việt cổ, Cao Biền đã lấy đồng, sắt để trấn yểm long mạch nước ta. Nhưng chỉ một đêm, thần Long Đỗ đã gây mưa gió, sấm sét đánh tan nơi Cao Biền đặt yểm thành tro bụi. Cao Biền thấy yểm trừ không nổi sợ quá, bèn lập đền thờ để cầu mong sự bình yên, lại thấy vượng khí nước Nam không thể mất nên vội cuốn gói về phương Bắc. Đền thờ thần Long Đỗ lúc ấy rất linh thiêng và được tôn làm “Đô phủ thành hoàng thần quân” và trở thành phúc thần của thành Đại La.

Đền Bạch Mã (Ảnh: T.L)
Đền Bạch Mã (Ảnh: T.L)

Khi vua Lý Thái Tổ (1010-1028) dời đô từ Hoa Lư về thành Thăng Long cho xây đắp thành nhưng thành liên tục bị sụp đổ. Vua sai người đến đền thờ thần Long Đỗ cầu đảo xin phù hộ cho việc xây cất, tức thì có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy một vòng khép kín ngược chiều quay của kim đồng hồ, sau đó vào đền rồi biến mất. Nhà vua đã đi theo vết chân ngựa mà xây thành. Sau khi xây xong, nhà vua cho sửa sang lại đền và sắc phong thần là “Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần”. Ngày ấy, quanh đền Bạch Mã dân mở phố chợ trên bến dưới thuyền buôn bán đông vui. Đây là cửa sông Tô Lịch nhận nước của sông Hồng và là nơi giao lưu hàng hóa của kinh thành Thăng Long với các vùng, miền chung quanh.

Như vậy, đền Bạch Mã được xây dựng sớm nhất trong hệ thống tứ trấn và qua nhiều thời kỳ, nó luôn được tu bổ, sửa chữa. Thời nhà Trần, quân Nguyên xâm lược nước ta đã đốt phá Thăng Long nhưng lửa không cháy đến ngôi đền. Lúc giải phóng Thăng Long, đền vẫn còn nguyên vẹn. Thái sư Trần Quang Khải đã đề thơ khẳng định sự thiêng liêng của thần ngày nay tại đền vẫn còn lưu giữ lời thơ đó:
Lửa bốc ba lần không cháy đến,
Gió lừng một trận chẳng hề nghiêng
(Hỏa bốc tam khu thiêu bất tận
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh) 
Văn bia hiện còn ở đền cho biết, đền Bạch Mã được tu bổ lớn vào đời Lê Chính Hòa (1680-1705), đến năm Minh Mạng thứ 30 (1834) đã được tu bổ thêm: sửa lại đền, dựng riêng văn chỉ, xây phương đình qui mô ngày càng rộng rãi, cảnh quan tôn nghiêm, nổi tiếng là chốn linh thiêng.

Hiện nay, ngôi đền có quy mô kiến trúc lớn, mặt quay về hướng Nam gồm có nghi môn, phương đình, nhà đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng ở phía sau. Các hạng mục này đượcc bố trí theo một chiều dọc trong một không gian khép kín.

Kiến trúc đền hiện nay chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn. Nổi bật trong kết cấu kiến trúc của đền là toàn bộ khung nhà gỗ với hệ thống cột gỗ lim lớn, các bộ vi đỡ mái được làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” tại phương đình có tác dụng chịu lực, là tác phẩm nghệ thuật vừa sử dụng để treo đèn trong ngày lễ hội. Trên các cốn gỗ, xà lách, xà ngang các vi chồng rường đều có nhiều mảng trang trí với nhiều đề tài phong phú và nét chạm trổ chắc, khỏe.

Trong nội thất của đền, phương đình ở phía trong bên trái có cây hương, bàn thờ, ở phía ngoài có miếu thờ Tề Vương phi, còn ở bên phải phương đình có Bề Núi. Thiêu hương và cung cấm cũng đều có bàn thờ và đồ tế lễ. Trong đền hiện còn tượng thần Long Đỗ bằng đồng và tượng thần Bạch Mã bằng gỗ bên cạnh bài vị, ngai và nhiều tượng thờ khác.

Hiện tại đền Bạch Mã còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phổng. Cùng với các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, di tích đền Bạch Mã là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu Thăng Long - Hà Nội về nhiều mặt.

 

Nguyễn Nhân Thống

 


Ý kiến bạn đọc