Multimedia Đọc Báo in

Vua Lý Thái Tông và những dấu ấn còn lưu trên đất Thăng Long

22:36, 01/09/2010

Lý Thái Tông húy là Phật Mã (con ngựa của Đức Phật), còn có tên khác là Lý Đức Chính, vị vua thứ hai của Triều Lý ở ngôi được 27 năm (1028 – 1054). Ông là vị minh quân tinh thông Phật học, giàu lòng nhân từ và có tầm nhìn xa trông rộng. Công lao đối với nhà nước, với nhân dân của ông là vô cùng, trong đó có những việc làm đầy hữu ích của ông còn lưu dấu ấn trên đất Thăng Long.

Một di tích có liên quan đến vị vua anh minh này, đó là ngôi đền Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội, thờ thần Trống Đồng. Tương truyền, khi còn là Thái Tử, phụng mạng vua cha là Thái Tổ, ông đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu, đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công”. Thái Tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy luôn. Hôm sau tiến quân đến đất Chiêm, trận ấy quả nhiên đại thắng. Khi khải hoàn về qua Trường Châu, Thái tử bèn sai quân gia sửa sang lễ tạ rồi rước về kinh đô để giữ nước hộ dân. Đang chọn đất khắp ngoại thành, chưa biết nên lập đền chỗ nào, thì đêm đến, Thái tử lại thấy thần báo mộng “Xin lập đền ở bên hữu trong đại thành, sau chùa Thánh Thọ”. Thái tử theo lời cho hưng công xây dựng, không bao lâu đền dựng xong. Đến khi Thái Tổ mất (1028), Thái tử lên nối ngôi, tức là Lý Thái Tông. Đêm mộng thấy thần đến báo rằng: “Ba vị vương, em ruột vua, mưu làm phản, định đem binh đến, vua nên đề phòng”… Vua thức dậy, còn chưa tin, đến sáng mới thấy đúng như thần báo! Vua rất lấy làm lạ, xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ” gia tước đại vương” (Việt điện u linh, NXB Văn hóa năm 1960, trang 48). Vua nhờ Lê Phụng Hiểu dẹp được loạn ba vương, lên ngôi rồi cho dựng đàn thề, mùa xuân làm lễ tế, các quan văn võ đều theo làm lễ và thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh trị tội…”. Ngày nay, Hội thề Đồng Cổ đã trở thành lễ hội hằng năm của người dân Đông Xã, phường Bưởi. Đây là một trong những ngôi đền đáng chiêm ngưỡng và rất lý thú cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long, Hà Nội xưa… Quả là: “Linh từ nhất thốc tiểu Long Đỗ/ Thần ngữ thiên thu ưởng Phượng Thành”; tạm dịch: “Đền thiêng một nóc ngời Long Đỗ/ Lời thánh nghìn thu vọng Phượng Thành”.

Chùa Một Cột được xây dựng vào đời vua Lý Thái Tông. (Ảnh: T.L)
Chùa Một Cột được xây dựng vào đời vua Lý Thái Tông. (Ảnh: T.L)

Lên ngôi được 10 năm, dù ở ngôi cao nhưng Đức vua vẫn luôn là tấm gương trong cho dân chúng về lễ giáo và ý thức lao động, về nghĩa vụ của công dân, về sự nhất quán giữa lời nói và việc làm. Sách Cương Mục chép rằng: “ … Năm Mậu Dần, niên hiệu Thông Thụy thứ 5 (1038), mùa xuân, tháng 2, vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự tay cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế? Vua nói: “Trẫm mà không chính mình cày ruộng thì lấy đâu có gạo làm tế phẩm để thờ cúng Tông miếu và lấy gì để nêu gương cho thiên hạ?”. Nói xong, Vua đẩy cày ba lần rồi thôi. Sử thần Ngô Sĩ Liên chép rằng: “T hái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay!”. Quả là, một việc làm hơn ngàn lần ban chiếu, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ. Làm được như vậy thì việc gì dân chẳng mạnh, nước chẳng cường?

Ít ai biết rằng, từ thời ấy, vua Lý Thái Tông đã bài hàng ngoại, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước. Chuyện rằng, bệnh sính hàng ngoại ở nước ta đã có từ rất lâu. Những mặt hàng ta chưa sản xuất được nên phải mua về thì đã đành, nhưng những mặt hàng ta đã sản xuất được, thậm chí là sản xuất với chất lượng cao hơn mà vẫn bị những kẻ có đầu óc sùng ngoại thái quá tìm cách nhập vào, quả là đã gây nguy hại cho quốc kế dân sinh không ít. Thời Lý, chuyện này đã từng xảy ra và vua Lý Thái Tông từng xử lý rất khôn khéo. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 2, tờ 28-b) chép như sau: “Tháng 2 năm Canh Thìn (1040), Vua đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, Vua xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan. Các quan từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bằng vóc. Nhà vua làm vậy để tỏ ý là Vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Việc làm này của Vua, trong cái tốt lại còn có cái tốt nữa. Vua không quý vật lạ, ấy là muốn tỏ ra hậu đãi với kẻ dưới”. Các sử thần thời Nguyễn, tác giả của bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 3, tờ 1) thì phê ngay một chữ rất gọn: Được! Việc làm này chứng tỏ rằng, ông là vị vua đầu tiên đề ra và gương mẫu thực hành chính sách tiết kiệm, nêu cao ý thức tự cường, tự tôn dân tộc bằng chủ trương phát huy nội lực, khuyến khích sản xuất hàng thủ công trong nước, không muốn phụ thuộc ngoại bang. Đây chính là cơ sở để đặt nền móng cho ý thức tự cường, tự tôn dân tộc của các vua nhà Lý sau này, mà chính con trai ông, Lý Thánh Tông là người khẳng định đặt quốc hiệu nước nhà là Đại Việt ngay sau khi kế vị vua cha.
Là người sùng mộ đạo Phật nên vua Lý Thái Tông cũng đã để lại dấu ấn của ông trên đất Thăng Long một ngôi chùa độc đáo: chùa Một Cột. Tương truyền năm 1049, ông nằm mơ thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt ông lên tòa. Sau đó nhà vua kể lại chuyện đó với bầy tôi; và cho dựng cột đá, làm tòa sen đặt lên như đã thấy trong mộng. Cột tòa sen đó trở thành ngôi chùa, khi đó có tên là chùa Diên Hựu. Chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất. Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 Âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.

Cũng trên đất Thăng Long, vào năm 1042, vua Lý Thái Tông đã cho ban bố bộ luật Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên ở nước ta. Theo Lê Quý Đôn, bộ Hình thư này gồm ba quyển, nhưng rất tiếc, đã bị thất truyền. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm duy nhất để cố gắng tạo lập một quy chế dân chủ, bình đẳng (dù còn sơ khai) cho mọi người. Mà trước đó, khi Lý Thái Tông mới lên ngôi 1 năm, vào năm 1029, ông đã cho xây dựng hai bên tả, hữu thềm rồng (Long Trì) hai lầu để chuông đối nhau, “để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên” (Đại Việt sử ký toàn thư). Và sau đó, vào năm Nhâm Thìn (1052) lại sai “đúc quả chuông lớn để ở sân rồng điện Thiên An, cho dân hễ ai có điều gì oan ức không thông đạt được lên trên thì đánh chuông để thấu đến nhà vua” (Cương Mục). Vì thế, nói theo cách nói của ông Viên Ngọc Lưu thì: ở thời đại Lý Thái Tông, thời mở đầu nghiệp xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, những quyết sách của ông nhằm chấn hưng đất nước, xây dựng ý thức tự cường dân tộc chưa nhiều, chỉ mới ở những nét chấm phá, nhưng rõ ràng đã để lại cho hậu thế những bài học quý báu về ý thức dân tộc, về phương châm tận dụng và phát huy nội lực, lấy tiềm năng nội lực làm căn bản để xây dựng một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Bài học ấy, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

*Tài liệu tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển II. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế. Báo Nhân Dân hàng tháng, số 42, tháng 10-2000. Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần, tập 2, NXB Giáo dục.

 

Nguyễn Thị Thọ

 


Ý kiến bạn đọc