Multimedia Đọc Báo in

Một Danh nhân Văn hóa xứ Quảng - Đà suốt đời vì nước, vì dân

17:36, 01/04/2011

Cơn mây gió trời Nam bảng lảng/ Bước anh hùng nhiều chặng gian nan/ Ngầm xem con tạo xoay vần/ Bày ra một cuộc Duy Tân cũng kỳ/ Suốt thân sĩ ba kỳ Nam Bắc/ Bỗng giật mình sực thức cơn mê… Đó là những câu trong bài tráng ca về phong trào Duy Tân- một phong trào yêu nước ở Việt Nam vào năm 1906. Một trong những lãnh tụ phong trào là nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.

Chí sĩ, Danh sĩ Phan Châu Trinh tự Tử Cán, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9-9-1872, tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, Quảng Nam (nay thuộc thôn Tây Hồ, Tam Lộc, Tam Kì, Quảng Nam). Thân phụ ông là Phan Văn Bình làm quản cơ sơn phòng, sau vào Nghĩa hội Cần Vương làm Chuyển vận sứ. Thuở nhỏ, Phan Châu Trinh sống với cha tại mật khu kháng chiến của nghĩa quân Cần Vương vừa học chữ, vừa học võ. Năm 1887, cha ông mất, ông trở về nhà và bắt đầu học theo lối cử nghiệp và là người học giỏi nổi tiếng của xứ Quảng. Năm 1900, Phan Châu Trinh đỗ cử nhân (thứ ba) trường Thừa Thiên, năm sau đỗ phó bảng và được bổ nhiệm chức Thừa Biện Bộ Lễ. Song, Phan Châu Trinh sớm nhận ra sự thối nát của “chốn quan trường”. Năm 1905, ông quyết định từ quan. Ông cùng với các bạn đồng chí là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp thực hiện một cuộc Nam du nhằm tìm hiểu “thế thái, nhân tình” và tìm bạn đồng tâm. Đến Bình Định, nhân kỳ thi khảo hạch, ông cùng hai bạn làm bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Danh sơn Lương Ngọc” theo đầu đề của quan trường, nhưng nội dung thì đả phá lối học cổ hủ. Bài phú “Danh sơn Lương Ngọc” có những câu : “Ào ào tranh miếng lợi danh toàn đồ kẻ cắp/ Bô lô lên giọng hào kiệt cả lũ khom lưng”. Bài thơ và bài phú đã tạo nên “cơn địa chấn”, thức tỉnh hàng vạn nho sĩ, sĩ tử, nhất là lớp trẻ đương thời. Sau này, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã ghi nhận: đó là “một tiếng sét đánh vang lừng cả nước”. Tiếp đó Phan Châu Trinh vào Phú Yên, Phan Rang, Bình Thuận. Tại Phan Thiết, ông nằm bệnh vài tháng rồi trở ra Nghệ Tĩnh, vào tận căn cứ của nghĩa quân Đề Thám để quan sát cuộc chiến đấu.

Năm 1906, ông bí mật đi Nhật, gặp cụ Phan Bội Châu trao đổi ý kiến. Về nước, Phan Châu Trinh cùng các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chính thức phát động phong trào Duy Tân, mở rộng phong trào với chủ trương: Thức tỉnh lòng dân, tạo dân khí mạnh, đề cao Dân quyền. Từ Tam Kỳ, Quảng Nam, Đà Nẵng, phong trào Duy Tân nhanh chóng lan sang các tỉnh miền Trung và lan rộng khắp cả nước. Nội dung cơ bản của phong trào Duy Tân là: từ bỏ lối học hành, thi cử kiểu “tầm chương”, lối sống tiểu nông, hủ tục; mở trường học, thực hiện lối học mới, lối sống mới để dân trí nâng cao; đồng thời đẩy mạnh công, nông, thuơng, phát triển kinh tế. Để phát động phong trào, Phan Châu Trinh viết bài “Tỉnh quốc hồn ca”, kêu gọi nhân dân thức tỉnh, hướng theo Duy Tân. Về lĩnh vực giáo dục, riêng xứ Trung kỳ bấy giờ đã có tới 333 trường học được mở, trong đó riêng chí sĩ Phan Châu trinh thành lập được 48 trường. Đồng thời, ông gửi cho Toàn quyền Beau một bản điều trần (quen gọi là bản “Đầu Pháp chính phủ thư”), trình bày cảnh sống lầm than, cơ cực của dân đen đất Việt, bị bọn tham quan, ô lại “đè đầu, cưỡi cổ”, cùng chính sách thuế khoá nặng nề và đề nghị Chính phủ bảo hộ về chính sách lương. Đường lối cứu nước của ông là dựa vào lí tưởng cách mạng Pháp để tiến hành cải cách. Ông không tán thành chủ trương vũ trang bạo động của cụ Phan Bội Châu lúc đương thời.

Phan Châu Trinh (1872-1926)
Phan Châu Trinh (1872-1926)
Năm 1908, cùng với các chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh lại phát động phong trào “Cự sưu, kháng thuế”. Từ Tam Kỳ, Quảng Nam, phong trào phát triển khắp các tỉnh Trung kỳ. Có ngày, đoàn biểu tình đông đến 8-10 nghìn người, nhưng phong trào bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Thực dân Pháp và triều đình Huế cho là Phan Châu Trinh khởi xướng nên bắt ông tại Hà Nội, giải về Huế rồi kết án đày đi Côn Đảo. Dù bị giam cầm nơi đảo vắng, ông vẫn thể hiện được khí phách và tinh thần yêu nước của mình và ông đã gửi gắm nỗi niềm đó qua bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”. Nhờ Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, ông được thả tự do trước thời hạn và đưa về quản thúc ở Mỹ Tho (1911). Ngay trong năm này, do yêu cầu của ông, chính quyền Đông Dương buộc lòng chấp nhận cho ông và con trai là Phan Châu Dật sang Pháp. Vừa sang Paris, Phan Châu Trinh gửi ngay bản điều trần “Trung kỳ dân biến thủy mạt ký” cho Hội Nhân quyền, tố cáo vụ đàn áp phong trào “cự sưu, kháng thuế”. Vì vậy, thực dân Pháp tức tối, cắt trợ cấp của ông. Kể từ đó, Phan Châu Trinh phải làm nghề rửa ảnh, chấm, sửa ảnh để sống và hoạt động cách mạng. Cùng với luật sư Phan Văn Trường, chí sĩ Phan Châu Trinh đã lập ra Hội đồng bào thân ái - một tổ chức của người Việt Nam yêu nước đầu tiên tại Pháp. Trong một công văn gửi Bộ Quốc Phòng Pháp, bọn tay sai ở Bộ Thuộc địa đã tố cáo: “Hành động khả nghi của Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường đã khích động sinh viên đồng bào họ thù ghét Chính phủ Pháp và đưa họ vào một tổ chức có mầm mống phản loạn”. Đặc biệt, trong thời gian ở Pháp, chí sĩ Phan Châu Trinh có quan hệ hết sức mật thiết với Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ tịch đã cho Nhà nghiên cứu Lê Thị Kinh (cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh) biết: “ Đối với cụ Phan, Bác luôn tỏ ra trân trọng đặc biệt, Bác nói: “Mình biết Cụ từ trong nước rất sớm vì Cụ là bạn thân của cha mình. Sang Pháp là dựa vào Cụ. Ở Pháp cũng dựa vào Cụ để sống và hoạt động… Cụ Phan đã giúp mình rất nhiều, thực sự là người đỡ đầu cho mình trong một thời gian dài khi mình ở Paris…”. Năm 1919, cùng với nhóm Việt Nam yêu nước, chí sĩ Phan Châu trinh và Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo và gởi Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đến Hội nghị Versailles tổ chức tại Pháp. Bản yêu sách gồm 8 điểm, tập trung vào các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách như một quả bom nổ ngay giữa thành trì của bọn thực dân.

Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseiille, Phan Châu Trinh viết một bức thư dài buộc tội Khải Định 7 điều (thư thất điều) và khuyên vua về nước gấp đừng làm nhục quốc thể. Năm 1925, ông trở về nước, ngụ ở Sài Gòn và tiếp tục liên lạc với các chí sĩ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… vạch ra chương trình hoạt động vì dân quyền, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.

Ngày 24-3-1926, trái tim của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh ngừng đập. Mặc dù bọn thực dân, Nam Triều tay sai ra sức đàn áp, khủng bố, song đám tang Cụ Phan vẫn được tổ chức khắp ba kỳ và trở thành một cuộc biểu dương lòng yêu nước cực kỳ rộng lớn của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một trong những sự kiện chính trị nổi bật lúc bấy giờ. Đám tang Cụ Phan được tổ chức vào ngày 4-4-1926 có 60.000 người tham dự đi hàng bốn đưa tiễn linh cữu từ đường Pellerin ở trung tâm thành phố ra nghĩa trang gần Tân Sơn Nhất. Ngày ông mất, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy đã có lời điếu rằng: “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức/ Nam phương tịnh độ hậu siêu sinh”, nghĩa là: “Tại nước Nam ông là người tổ chức phong trào dân quyền trước tiên/ Đi về miền Nam sau sống siêu thoát”. Còn cụ Phan Bội Châu trong bài thơ khóc ông, có đoạn: “…Cờ xã hội toan lên thẳng bước/ Gánh giang sơn chẳng chút chịu nhường ai/ Đau đớn thay! Trời chẳng chìu người/ Người bước tới mà trời giằng kéo lại/ Công nghiệp sống chưa ra vòng thất bại/ Tuổi chết nay đã trải chẵn mười năm/ Nhớ bạn xưa khôn nỗi khóc thầm/ Một hàng chữ gởi thôn tâm cùng thiên cổ/ Kẻ tiền đạo ấy ai người hậu lộ ?”…

Hiện lăng mộ của Cụ Phan ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh) đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Nhiều đường phố, trường học đã được mang tên ông. Năm 2006, một quỹ xã hội có mục đích nối tiếp chủ trương canh tân văn hóa được các trí thức tâm huyết thành lập mang tên Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, sau đổi thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, do cháu ngoại của ông là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam làm chủ tịch… Có thể khẳng định rằng: Với tinh thần yêu nước nồng nhiệt, suốt đời vì dân và gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khổ và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ.

 

Nguyễn Viết Chính 

 


Ý kiến bạn đọc