Đảo Phú Quý – hòn ngọc giữa biển Đông
Đảo Phú Quý còn gọi là đảo Thuận Tĩnh, cù lao Thu, người dân địa phương quen gọi là ‘’Hòn’’, người Pháp gọi đảo là Poulo Cecir de Mer. Phú Quý là đảo lớn nhất trong quần đảo cùng tên, nơi dài nhất 6,5 km và nơi rộng nhất 3 km. Ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ như hòn Tranh , hòn Trứng, hòn Đen , hòn Đỏ, hòn Bố, hòn Khám, hòn Vung, hòn Giữa, hòn Chiên. Đảo nằm cách thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) 120 km về hướng đông bắc. Diện tích tự nhiên toàn quần đảo là 16 km2 với dân số hơn hai vạn người.
Ngày nay, Phú Quý là một huyện đảo giàu có, gồm ba xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Địa hình, cảnh quan nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình. Trên đảo có núi đồi, có rừng, cồn cát. Ba ngọn núi cao ở đây được xem như những pháo đài tiền tiêu, đó là núi ông Đụn cao 44,9 mét, núi Cao Cát cao 85 mét và núi Cấm cao 108 mét.
Núi Cao Cát được người dân trên đảo xem như một ngọn núi thiêng, tọa lạc ở phía bắc đảo, nơi được chọn để đặt tượng Phật Bà Quan Âm uy nghi. Suốt con đường dẫn đến núi Cao Cát là vùng đất đỏ bazan màu mỡ được bao phủ bởi màu xanh của cây dứa. Đến Cao Cát không chỉ đơn thuần là chuyến hành hương đến Linh Sơn tự mà còn là chuyến du ngoạn đầy lý thú. Từ đỉnh núi, du khách có thể phóng tầm mắt quan sát suốt cả một không gian rộng lớn của hải đảo. Những doi cát trắng trải dài dọc theo bờ biển bên làn nước màu xanh ngọc bích. Những gộp đá khổng lồ có hình thù kỳ dị sau bao thế kỷ bị nắng mưa sương gió xâm thực.
Một góc đảo Phú Quý. (Ảnh: T.L) |
Ngoài chùa Linh Sơn ở núi Cao Cát, trên đảo còn có các chùa Linh Quang, Liên Hoa, Mỹ Quang, Linh Bửu, Thanh Lâm, mỗi chùa mỗi vẻ, vừa thâm u vừa trầm mặc, nằm tựa trên sườn non hay tọa lạc ở chân núi. Ở vạn Tam Thanh, nơi còn lưu giữ bộ xương cá ông khổng lồ cùng với tập tục thờ thần Nam Hải, thể hiện một thế giới tâm linh của ngư dân với ước mong tìm được sự bình an trong cuộc mưu sinh trên biển cả. Nơi đây còn có sự đan xen giữa hai nền văn hóa Sa Huỳnh và Chăm Pa nên trên đảo còn lưu giữ những di tích như đền thờ công chúa Bàng Trang (Chăm Pa), những công cụ lao động cổ cùng với những đền miếu có lối kiến trúc đầy ấn tượng.
Ngoài tham quan du lịch, khi đến hải đảo bạn sẽ được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ như cá mập, cá mú, cá hồng, cá thu, tôm hùm, cua huỳnh đế, ốc xà cừ ngọc nữ, ốc vú nàng, hải sâm, cua mặt trăng hoa đỏ nền vàng, đồi mồi ... Cá ngon, cua đẹp, ốc màu là những mặt hàng xuất khẩu rất có giá trị. Ở đây còn có nhiều cơ sở chế biến hải sản, đặc biệt có “nước mắm Hòn” chẳng thua kém gì nước mắm Phan Thiết, Mũi Né.
Cù lao Thu từ lâu đã là ngư trường lớn và quan trọng của tỉnh Bình Thuận. Sản lượng đánh bắt hải sản chiếm đến 30% sản lượng toàn tỉnh, và chiếm phân nửa hàng thủy sản xuất khẩu. Hải đảo nằm gần khu vực khai thác dầu khí lớn nhất nước ta hiện nay nên có nhiều triển vọng để trở thành một cơ sở hậu cần quan trọng cho ngành hải sản và dầu khí.
Huyện đảo Phú Quý còn là địa điểm hấp dẫn du lịch, tham quan di tích, ngắm cảnh, câu cá, lặn biển và nghỉ dưỡng sức, kết nối với các cụm du lịch Bình Thuận trong tổng thể phát triển du lịch Nam Trung Bộ. Hiện nay, ngành nghề kinh tế chính của Phú Quý là đánh bắt và chế biến hải sản, sản xuất nông nghiệp, phát triển thương mại và dịch vụ ...
Phú Quý như tên đã gọi, là một huyện đảo xa xôi cách xa đất liền nhưng vừa giàu vừa đẹp, ngày càng phát triển về mọi mặt. Trên đảo hiện đã có sân bay có thể đón nhận các loại phi cơ hạng nhẹ để đưa đón du khách hay chuyên chở thư từ, hàng hóa. Trong tương lai, cù lao Thu – đảo Phú Quý sẽ là nơi tham quan du lịch đầy hấp dẫn trong những tháng hè nắng nóng.
Ý kiến bạn đọc