Multimedia Đọc Báo in

Ông Ích Khiêm - Một tướng lĩnh tài ba, một kẻ sĩ đầy khí phách

11:23, 24/04/2011

Ông Ích Khiêm sinh năm Tân Mão (1831) tại làng Phong Lệ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Ông xuất thân trong một gia đình nho giáo truyền thống, thân phụ là Ông Văn Điều, một người hay chữ trong làng, sống bằng nghề nông. Cha mất sớm, Ông Ích Khiêm về ở với chú ruột và được cho ăn học. Ông sớm nổi tiếng thông minh, hiếu học và có chí lớn.
Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Ông Ích Khiêm đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên lúc mới 16 tuổi. Sau đó ông được bổ làm tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Giữ chức tri huyện, ông xử đoán công minh, luôn bênh vực kẻ nghèo khó thế cô và rất căm ghét bọn người ỷ quyền cậy thế. Chính vì bản tính ngay thẳng, bộc trực, thương người cô thế trong lúc đương nhiệm nên ông đụng đầu với bọn cường hào ác bá. Bọn chúng cấu kết với nhau tố cáo ông với triều đình, ông bị cách chức phải lui về bản quán.
Tại quê nhà, ông đứng ra vận động dân chúng khai hoang, đắp đường, khơi sông ngòi đem nước tưới cho ruộng đồng. Theo truyền khẩu nhân dân địa phương, chính ông đã vận động đắp đập, lấy nước tưới cho các cánh đồng ở Bàn Thạch, Phú Hòa; đắp đường tại các huyện Duy Xuyên, Hòa Vang, Điện Bàn khiến cho việc đi lại rất thuận lợi.

Thời Tự Đức, nội loạn lẫn ngoại xâm xảy ra thường xuyên, nhất là từ năm 1858 khi tàu chiến Pháp nổ súng vào Đà Nẵng xâm phạm chủ quyền của nước ta. Vua Tự Đức cho vời ông về triều để nhậm chức mới. Từ đó, ông “thừa văn quá võ” lãnh trách nhiệm cầm quân bình định xứ sở trước nạn ngoại xâm. Ông đã cùng với Nguyễn Tri Phương anh dũng chống trả quyết liệt với giặc Pháp để bảo vệ Đà Nẵng. Tại đây, ông tỏ ra là một vị chỉ huy có thực tài, nhiều mưu kế trong tác chiến.

Năm 1865, triều đình cử ông làm Tiểu Phủ sứ để dẹp bọn phỉ đang nổi loạn quấy nhiễu nhân dân ở các tỉnh phía Bắc. Ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong việc đánh tan quân Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên, Hải Ninh (1865), bắn chết tướng Ngô Côn ở Bắc Ninh (1870), bắt sống thủ lĩnh giặc Cờ Vàng là Hoàng Sùng Anh ở Vĩnh Tường (1875), dẹp yên quân phỉ Giáp Văn Trận ở Cổ Loa (1876), đánh tan quân Lý Dương Tài ở hồ Ba Bể (1878)…

Tổng đốc Bắc Ninh lúc bấy giờ là Tôn Thất Thuyết thấy ông đánh thắng nhiều nơi nên đem lòng ghen ghét tìm cách vu cáo ông. Ông bị bắt giải về Huế. Tại đây ông lấy cớ bệnh xin nghỉ việc quân. Vua Tự Đức chuẩn y.

Lăng mộ Ông Ích Khiêm. (Ảnh: T.L)
Lăng mộ Ông Ích Khiêm. (Ảnh: T.L)

Theo “Đại Nam liệt truyệt”, khi ông ở Huế chữa bệnh và chờ luận tội thì năm Tự Đức thứ 35 (1882), vua nghĩ tình vất vả, giỏi giang, dùng lại làm Hồng lô tự khanh biện lý Bộ Hộ. Tại đây ông tâu bày kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh, đại lược nói rằng: “Dụng binh tất trước hết phải lý tài mà sinh tài thì không gì bằng khai mỏ. Lạng, Bình, Ninh, Thái, Tam Tuyên có nhiều khoáng sản. Thần, từ khi cầm quân đi qua các mỏ, hỏi các phụ lão, biết rõ lợi hại, đã nghĩ rằng cái thượng sách làm cho phú cường tưởng không ngoài việc đó. Xin cứ mỗi cái mỏ đặt ra chánh phó sứ mỗi chức một người, rồi chiêu mộ phu mõ sửa sang khí cụ, chỉnh đốn kỹ thuật để khởi công khai thác. Lại chọn văn võ đại thần sung chức Bắc Kỳ kinh lược kiêm chánh phó tổng khoáng đại thần để trông coi, đôn đốc và trấn áp bọn cướp. Lại ở chỗ tiếp giáp hai hạt Bắc Ninh và Thái Nguyên đóng doanh, mở ra cục đúc tiền và lập trường diễn võ rồi chọn tráng đinh đến đấy phòng khi hữu sự…”. Vua Tự Đức cho là phải, nhưng lại không quả quyết làm.
Không chỉ là một danh tướng có thực tài, Ông Ích Khiêm còn là một nhà thơ sáng giá. Trong dân gian, nhân dân truyền tụng về tài “khẩu chiến” và cá tính ông trong lúc thù tạc cùng thân hữu, quan lại trên hành trình hoạn lộ của mình.

Sau khi vua Tự Đức qua đời, trong triều lúc đó vô cùng hoảng loạn, ông cũng là một nhân vật kiệt liệt trong đám quan lại ấy. Cũng vì cái tài của ông khiến cho hai quan phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết để tâm thù ghét và tìm cách ám hại ông. Ông bị họ vu cáo, bị buộc tội và đày vào nhà ngục Bình Thuận. Tại đây, do tuổi già sức yếu, phần bi kịch của kẻ sĩ bị tác động, ông đã bất lực tìm lấy cái chết. Ông tự vẫn bằng độc dược năm 1883, hưởng dương 52 tuổi trong niềm thương tiếc của nhân dân và bạn bè đồng liêu, thân hữu cùng chí hướng.

 

Nguyễn Nhân Thống

 


Ý kiến bạn đọc