Phạm Phú Thứ - nhà cải cách tài năng
Phạm Phú Thứ sinh năm Canh Thìn (1820) tại làng Đông Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Năm Nhâm Dần (1842), ông thi Hương đậu Giải Nguyên, năm Quý Mão (1843) thi Hội đậu Hội Nguyên đệ tam giáp đồng tiến sĩ, được bổ làm tri phủ Lạng Giang. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông được đề bạt về làm ở Viện Tập hiền rồi ở tòa Kính diên (phòng giảng sách cho vua). Tại đây, vì thấy nhà vua (Tự Đức) còn trẻ, ham vui chơi, lơ là việc triều chính, ông mạnh dạn dâng sớ can gián vua với lời lẽ thiết tha và thẳng thắn nên bị cách chức và đày làm lính cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông (phía nam Kinh thành Huế) vì tội phạm thượng. Vậy mà ông vẫn tự tin vào việc làm của mình: lúc rảnh rỗi đi câu cá, ngắm cảnh, làm thơ nên có biệt hiệu là “Nông giang điếu đồ” (Người câu cá trên sông Nông) và sáng tác tập thơ “Nông giang thi lục”.
Chuyện này đến tai Thái hậu Từ Dũ. Bà hỏi con (vua Tự Đức):
-Ông Phạm dâng sớ khuyên can con, ông ấy được cái gì?
Nhà vua đáp:
-Dạ, ông không được gì cả! Nhưng làm bề tôi mà trách cứ vua như thế là quá đáng.
-Thế khi làm lính, ông ta có oán hận gì không?
-Dạ, con không nghe nói gì.
-Thế thì người ấy đáng trọng lắm! Dâng sớ là muốn cho vua làm việc tốt. Bị nạn cứ chịu đựng mà không oán hờn. Theo mẹ, đó là người chính trực và trung thành.
Tự Đức nghe ra liền hạ chiếu ân xá, triệu ông về kinh giao cho trọng trách.
Năm 1854, ông được cử làm tri phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây ông tổ chức và vận động dân chúng lập hơn 50 kho nghĩa thương để lo cứu tế cho dân phòng gặp lúc hạn hán, bão lụt. Năm 1855, ông được điều sang công tác quân sự để giải quyết cuộc bạo loạn của người Thượng ở Đá Vách (Quảng Ngãi). Nhiệm vụ hoàn thành, ông được thăng chức án sát tỉnh Thanh Hóa (1856), rồi Hà Nội (1857), đến năm 1858 thì chuyển về làm việc ở Nội các.
Vào lúc tàu chiến Pháp và Tây Ban Nha vào bắn phá cửa Đà Nẵng, ông liền dâng sớ xin các quan lại, thân sĩ quê quán ở Quảng Nam đang làm việc ở kinh đô về tỉnh nhà lập đội nghĩa quân để chống giặc ngoại xâm nhưng không được vua Tự Đức chấp thuận. Năm 1858, ông lại dâng sớ xin đắp đê Cu Nhí, đào sông Ái Nghĩa, đồng thời xây dựng công sự bố phòng và luyện tập quân sự để bảo vệ Đà Nẵng.
Năm 1863, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phạm Phú Thứ được cử làm phó sứ cùng với chánh sứ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết để chuộc lại 3 tỉnh đã mất, nhưng cuộc đàm phán bất thành, ông bị vua Tự Đức quở trách. Các sử gia thì xếp ông vào phe chủ hòa. Đánh giá như thế thật chưa thỏa đáng. Căn cứ vào dòng tư tưởng của ông qua các tác phẩm còn lưu lại gồm 26 quyển “Giá Viên toàn tập”, trong đó gồm 13 quyển chép thơ, 13 quyển chép văn, trước sau con người ông là người có khí phách hiên ngang, căm thù giặc sâu sắc.
Trong khi đi sứ sang Pháp, phái bộ và ông còn đi thăm các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Anh Cát Lợi, Bồ Đào Nha, và khi về đến Huế ông dâng lên triều đình và vua Tự Đức một số tài liệu cùng bản tường trình chuyến đi Tây trong đó có “Tây hành nhật ký” và “Tây phù thi thảo”, ghi chép những điều mắt thấy tai nghe và những cảm nghĩ về nền văn minh phương Tây, nhằm thuyết phục vua Tự Đức mạnh dạn canh tân đất nước theo kịp đà tiến hóa của thế giới. Để thuyết phục nhà vua và triều thần, ông còn viết một số sách khoa học thực nghiệm, bước đầu phổ cập kiến thức về khoa học và kỹ thuật của phương Tây như Bác vật tân biên (nói về khoa Vật lý), khai môi yếu pháp (nói về khai mỏ), hàng hải kim châm (nói về kỹ thuật hàng hải), vạn quốc công pháp (luật giao thiệp quốc tế)… Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi theo kiểu xe bò, xe trâu kéo ở Ai Cập, là do ông vẽ kiểu mang về chế tác lúc bấy giờ.
Sau đó ông được cử vào Viện cơ mật kiêm trông coi Viện Tập hiền. Ở cương vị này ông lại dâng lên triều đình nhiều đề nghị cải cách có ý nghĩa tích cực, đồng thời nhắc lại, cụ thể hóa và bổ sung những kiến nghị của Nguyễn Trường Tộ năm 1863, nhằm làm cho dân giàu nước mạnh. Nội dung các đề nghị trên gồm có các vấn đề: ban bố học sách của Nhà nước để việc học hành được thiết thực; lập khoa thủy học (hàng hải) để chấn chỉnh việc quản lý ghe thuyền; dịch sách nước ngoài để theo dõi tình hình thế giới; mở rộng việc buôn bán với nước ngoài; khuyến khích các nghề thủ công; khai thác quặng và than đá…
Những đề nghị trên được vua Tự Đức và triều đình có bàn bạc nhưng ở triều đình lúc đó có nhiều nhân vật thủ cựu, mù quáng nên rốt cục chẳng thực hiện được gì.
Năm 1865, ông được thăng Thượng thư bộ Hộ đồng thời sung chức Cơ mật viện đại thần. Trong thời gian này ông đề ra hai chủ trương nhằm bảo vệ biên giới phía tây Tổ quốc là đặt chức tuyên phủ sứ từ miền thượng du Bình Định cho đến Điện Biên Phủ, bên trong làm nhiệm vụ quân sự nhưng bên ngoài lo nhiệm vụ nông – thương nghiệp, và lập chế độ thổ tù vùng thượng du đê các dân tộc thiểu số góp phần vào việc bảo vệ đất nước.
Triều đình khen hay nhưng cuối cùng những sáng kiến này cũng không làm được.
Phạm Phú Thứ là một tài năng lớn, vị tiến sĩ có nhiều đóng góp cho văn hóa dân tộc. Là người nặng lòng vì dân vì nước, dũng cảm can vua, khuyên vua đổi mới chính sách cai trị theo xu thế phát triển của thời đại nhưng tiếc thay… ông đã thất bại trước phe thủ cựu và chủ hòa của triều đình lúc bấy giờ chỉ muốn sống cầu an và hưởng lợi.
Ý kiến bạn đọc