Huỳnh Thúc Kháng - sáng mãi nhân cách một nhà báo yêu nước
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhà thơ, nhà báo, nhà chính trị xuất sắc của nước ta trong những năm đầu thế kỷ XX. Cả cuộc đời cụ Huỳnh là một tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm chất đạo đức tận tụy lo cho nước cho dân đến hơi thở cuối cùng. Trong thư báo lễ Quốc tang của cụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động viết: "...Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao... là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không nản chí, oai vũ không sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập...".
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Ảnh: T.L |
Mãn hạn tù, cụ Huỳnh Thúc Kháng trở về lao vào cuộc đấu tranh quyết liệt với bọn thực dân Pháp và triều đình thối nát trên mặt trận nghị trường và công luận. Năm 1926, cụ ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ và được bầu làm Viện trưởng. Trên cương vị này, cụ đã công khai diễn thuyết tố cáo, vạch trần chế độ cai trị, vơ vét tài nguyên hà khắc của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân ta, lên án sự hủ bại bù nhìn của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1927, cụ lập ra Công ty Huỳnh Thúc Kháng (gồm nhà in và Báo Tiếng Dân). Tiếng Dân là tờ báo yêu nước đấu tranh công khai chống chính quyền bảo hộ đầu tiên ở Huế, do cụ Huỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Báo Tiếng Dân ra số đầu tiên ngày 10-8-1927, có rất nhiều chuyên mục phong phú hấp dẫn, với mục tiêu nâng cao dân trí, giáo dục tinh thần yêu nước thương nòi, bênh vực người dân, bài trừ bảo hộ, lên án chính quyền tay sai... Cụ Huỳnh không chỉ làm công tác quản lý, mà còn là cây bút chính luận sắc bén với nhiều bút danh khác nhau, như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khỉ Ưu Sinh, Xà Túc Tử... Cụ có một tuyên ngôn bất hủ và bài học để đời cho những người làm báo yêu nước: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra giữ những quyền không nói những điều người ta ép buộc nói".
Và ngòi bút của cụ đã thực hiện đúng tuyên ngôn ấy trong suốt sự nghiệp báo chí của mình. Không mua chuộc, ép buộc được cụ Huỳnh hợp tác, ngày 21-4-1943, thực dân Pháp đã ra quyết định đình bản Báo Tiếng Dân. Duy trì ngòi bút trung thực, đấu tranh cho quyền lợi của dân, của nước trong điều kiện kiểm duyệt khắt khe của chế độ thực dân, phong kiến trong hơn 16 năm trời là nỗ lực to lớn của cụ Huỳnh đối với sự nghiệp báo chí của đất nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, không quản ngại tuổi cao sức yếu, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ ra Hà Nội tham gia vào Chính phủ liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong thời điểm chính quyền cách mạng non trẻ đang phải đối đầu với trùng điệp khó khăn, thù trong, giặc ngoài, vận mệnh đất nước như “nghìn cân treo sợi tóc", cụ Huỳnh đã làm hết sức mình phục vụ cho kháng chiến kiến quốc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin tưởng, giao cho trọng trách Quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong thời gian Người đi Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô.
Sinh thời Nhà thơ Huy Cận thường kể một câu chuyện cảm động về cụ Huỳnh và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường sang Pháp. Tối 30-5-1946, Bác dặn nhà thơ Huy Cận (lúc này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ) ở lại để hầu chuyện cụ Huỳnh. Bên ấm trà khuya, Bác nói: “Tôi đi vắng, anh em con cháu ở nhà đều trong mong vào sự dạy bảo của cụ để cùng nhau vượt qua sóng gió”... Cụ Huỳnh lo lắng hỏi: “Nếu ở nhà có việc bất trắc thì làm thế nào?”. Bác trả lời: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Nói rồi, Bác thông thả đọc tặng cụ Huỳnh bài thơ:"Tôi đi cụ chớ lo chi cả/ Quyền nước, lòng dân, cụ ở nhà/ Hai chén trà khuya hương nhẹ tỏa/ Một câu bất biến dặn phòng xa". Không phụ lòng tin tưởng của Bác Hồ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã cầm lái con thuyền cách mạng mà thuyền trưởng đã giao phó, vượt qua muôn vàn khó khăn, đặc biệt cụ đã chỉ đạo kiên quyết đập tan âm mưu phản loạn của bọn Quốc dân đảng qua vụ án Ôn Như Hầu để giữ vững chính quyền cách mạng.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt), cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết thư kêu gọi đồng bào, phụ lão kháng chiến, bản thân cụ cũng lên đường kháng chiến. Tháng 3-1947, cụ kinh lý vào Nam Trung bộ, mà thực chất là kiểm tra chỉ đạo các tỉnh Nam Trung bộ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhưng do tuổi cao sức yếu, cụ lâm bệnh và mất tại Quảng Ngãi ngày 21-4-1947. Hay tin cụ mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đau đớn viết bài thơ viếng: "Than ôi.../ Bể Đà Nẵng triều thảm/Đèo Hải Vân mây sầu/ Tháng tư tin buồn đến/Huỳnh Bộ trưởng đi đâu/trông vào Bộ Nội vụ/ tài đức tiếc thương nhau/ Đồng bào ba chục triệu/đau đớn lệ rơi châu". Thể theo nguyện vọng của cụ Huỳnh, quân và dân Quảng Ngãi đã đưa cụ về yên nghỉ trên đỉnh Thiên Ấn bên dòng Trà Khúc.
Di sản văn hóa cụ Huỳnh để lại rất đồ sộ, ngoài những tác phẩm văn học đặc sắc, còn có hàng nghìn bài báo thấm đẫm tính chiến đấu sắc bén, tính nhân văn cao cả. Đặc biệt tuyên ngôn báo chí bất hủ của cụ ngày nay vẫn còn mang tính thời sự cho những người cầm bút trên mặt trận báo chí.
Ý kiến bạn đọc