Multimedia Đọc Báo in

Về Sóc Trăng, thăm mộ chàng Vương

11:19, 19/06/2011

Ngôn ngữ không phải bao giờ cũng mang tính võ đoán, khi nó phát ra từ con người, mang hơi thở, tâm hồn của con người, nó ứng với một quy luật, một định mệnh nào đó đôi khi không cưỡng lại được. Điều đó thể hiện rõ ở trường hợp nhà văn, nhà văn hóa Vương Hồng Sển, vì nhiều lẽ.

Một là, ông nguyên tên là Vương Hồng Thịnh, nhưng khi đi làm khai sinh bị người viết giấy khai sinh của người Hoa Phúc Kiến, ghi thành Sển. Chính cái tên đó đã quy định hành trang cuộc đời, hành vi ứng xử, lối sống, cách nghĩ, cách cảm và cách viết của ông, để bây giờ ta có chân dung sừng sững một nhân cách Vương Hồng Sển. Nếu tên ông là Vương Hồng Thịnh, chắc có lẽ sẽ khác đi, một con người khác, một tính cách khác, ít nhất là trong tâm tưởng của mọi người, hẳn thế, tôi tin thế!

Hai là, tôi đến Sóc Trăng không dưới mươi lần. Lần nào cũng nghỉ ở Khách sạn Khánh Hưng, một cơ sở thuộc Công ty Du lịch - dịch vụ Sóc Trăng, nhưng không hiểu tại sao người ta đặt là Khánh Hưng? Hóa ra, đó là tên làng quê nơi Vương Hồng Sển đã sinh ra. Nguyên tổ phụ ông là người Hoa ở Phúc Kiến sang cư ngụ tại làng Khánh Hưng, tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Nguyệt Giang, nay là Sóc Trăng. Ngưỡng mộ ông đã lâu, nhưng tiền bất kiến cổ nhân, nay biết nơi cư ngụ cuối cùng của ông ở đây, tôi đến viếng thăm để thắp một nén nhang.

Vương Hồng Sển (1902-1996)
Vương Hồng Sển (1902-1996)
Theo sự sắp xếp của một người bạn là nhà báo Trương Minh Hoàng, Giám đốc Đài truyền thanh thành phố Sóc Trăng, tôi đến thăm mộ ông cùng với anh Nguyên Bảo và cô Vương Thị Thúy Hằng (cháu gọi ông bằng bác), cả hai đều công tác ở đài. Từ Khách sạn Khánh Hưng đến mộ ông chỉ hơn một cây số, đó là hẻm 98, đường Trần Hưng Đạo, thuộc tổ 3, khóm 2, phường 2, thành phố Sóc Trăng. Con hẻm rộng chừng bốn mét, từ đầu hẻm đi vào đến bụi tre cạnh khu mộ khoảng chừng hai trăm mét đường đất, người cháu gái cứ loay hoay tìm cách mở các nhánh tre bịt hàng rào để tìm đường cho chúng tôi qua. “Lâu nay, chỗ này bỏ trống, có thể đi qua được, nay không biết ai rào lại kỳ vậy nè!”. Người hàng xóm bên kia đường đi sang, vừa giúp tháo các nhánh tre, vừa giải thích: “Gần đây, dân xì ke, ma túy đêm đêm tụ tập vào trong đó tiêm chích, ống tiêm còn quăng đầy ra đó. Vì vậy, chúng tôi phải rào lại...”. Tôi nghe mà lòng tê tái. Nhờ lại cách đây vài năm, khi ra thăm mộ nhà văn, nhà báo Hoàng Minh Thắng bên Đông Anh (Hà Nội), tôi đã chứng kiến hàng trăm ống tiêm sử dụng xong găm vào các gốc cây tràm, máu còn chảy dính cả thân cây. Hóa ra, cái ác, cái nguy hại cho cuộc sống con người luôn rình rập khắp mọi nơi, kể cả ở khu đất nhỏ này. Chỉ rộng khoảng hai trăm mét vuông, cao hơn mặt ruộng lúa khoảng năm mươi phân, nằm sát bờ tre, có xây nền bao bọc, đó là nơi an nghỉ của mười bốn người trong gia đình, cao nhất là bố mẹ của Vương Hồng Sển, ông Vương Kim Hưng (1875-1961) và bà Hứa Thị Húa (1878-1913), ngoài ra còn có mộ của chú bác anh em trong gia tộc và cả mộ của người con trai duy nhất của ông, mất sau ông hai năm, là Vương Hồng Bảo (1951-1998). Tất cả đều không được xây cất, chỉ là một nắm đất nhỏ cao hơn mặt đất khoảng vài mươi phân, cỏ mọc lưa thưa, có dựng thêm một tấm bia nhỏ hình bán nguyệt, cao chừng năm mươi phân, trên đó có ghi tên tuổi, năm sinh năm mất. Theo cô Vương Thị Thúy Hằng, trước đây tất cả đều không có bia. Từ khi cụ Vương Hồng Sển mất, có nhiều người tìm đến viếng mộ, buộc phải dựng bia cho cụ, mà đã dựng cho cụ, thì phải dựng cho bố mẹ của cụ và cho tất cả.

Nhìn những nắm mộ chen chúc, lưa thưa cỏ mọc, tôi bỗng nhận ra một nghịch lý lớn của đời ông, của tên tuổi Vương Hồng Sển - một con người tài hoa lãng tử, sống xuyên suốt thế kỷ 20, là chứng nhân và am tường về nhiều lĩnh vực văn hóa Nam bộ và là nhà nghiên cứu đồ cổ nổi tiếng vào bậc nhất Việt Nam. Về giá trị vật chất, bán bất kỳ món đồ cổ nào mà ông để lại, cũng có thể xây mộ cho ông thành lăng vua chúa (ngay cả chiếc giường nằm của Dương Quý Phi (718-676) đời Đường, ông cũng mua được). Thế nhưng, trước khi qua đời, ông đã tự nguyện hiến tất cả tài sản, gồm cả ngôi nhà cổ thời Minh Mạng (1820-1840) và tất cả đồ cổ ngoạn, sách vở đã sưu tầm được trong hơn bảy mươi năm, để làm một Tàng cổ Vương Hồng Sển. Lớn hơn, về giá trị tinh thần, những trước tác ông để lại như Thú chơi sách 1 và 2 (1960), Sài Gòn năm xưa (1962), Hồi ký ba mươi năm mê hát (1968), Phong lưu cũ mới (1970), Thú xem truyện Tàu (1970), Khảo về đồ sứ Trung Hoa (1972), Cảnh Đức trấn Đào Lục (Đồ gốm trấn Cảnh Đức, 1972), Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972), Hơn nửa đời hư (1992), Sài Gòn tạp pín lù (1992), Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993), Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993), Những đồ sứ khác (Đồ quốc dụng, đồ ngự dụng, 1993), Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994), Nửa đời còn lại (1995), và hàng chục bản thảo đã viết hoàn chỉnh chưa in như Cuốn sách và tôi, Giỡ mắm, Tùy bút 1, 2, 3, Cà Đo Xe, Bên lề cuốn sách,... Những cuốn sách có giá trị văn hóa là những công trình nghiên cứu về đồ cổ, là lời ghi chú, lời chú giải về cái kho tàng cổ ngoạn mà ông để lại. Những tác phẩm có giá trị văn học là những hồi ký, và chính ông chứ không phải ai khác, đã tạo ra một sự đan xen về tiểu loại độc đáo là hồi ký – tùy bút. Thông qua sự kiện, con người trong quá khứ mà ông đã từng trải nghiệm, ông đan dệt tình cảm cảm xúc trữ tình của mình bằng một lối ngôn từ tinh tế, phóng túng đầy biểu cảm. Chỉ riêng Sài Gòn tạp pín lù cũng có thể ví với Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust: “Sài Gòn tạp pín lù còn là một thứ Đi tìm thời gian đã mất (À la recherche temps perdu), một kiểu hành hương về quá khứ để hồi tưởng những cảm xúc, những mùi vị không bao giờ còn thấy lại” (Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Huệ Chi, Tự điển Văn học, Nxb Thế Giới, 2004, tr. 2049).

Càng ngưỡng mộ tài năng, sự nghiệp ông để lại bao nhiêu, tôi càng bồi hồi cảm xúc trước ngôi mộ đơn sơ của ông bấy nhiêu. Tôi cố hình dung ra, bên dưới lớp cỏ lưa thưa kia, xương thịt của ông vẫn tròn đầy, hay cũng mục ruỗng, hư hao giống như bao nhiêu người khác! Sao mà những gì ông để lại tràn đầy đến vậy. Cái lớn hơn cả, đó chính là một nhân cách, đọc văn ông, cũng có thể nhận ra lối sống chân thành, bộc trực, của một con người biết sống, biết chơi, biết giữ nhân cách: “bù qua sớt lại chỉ còn một cái Hư to tướng. Tôi thấy nhiều người về già thường viết hồi ký bêu thơm. Tôi lại muốn riêng bêu xấu...” (Hơn nửa đời hư). Đứng bên mộ ông, nhớ lại câu này, ngẫm lại tư duy nghiên cứu và sáng tạo của ông, ngôn từ của ông, lối chơi, lối sống và hành vi ứng xử của ông, hiện đại lắm. Dường như ông không chỉ thuộc về thế hệ của ông mà là con người của thế hệ hôm nay, luôn ở tuổi thanh xuân, là chàng Vương, có chút gì với Trung Niên Thi sĩ Bùi Giáng. Tôi bỗng nhận ra rằng, con người ta, trước khi muốn làm vĩ nhân, phải biết cách làm người, phải là con người trước đã, mới có thể sống mãi trong lòng người sống như các vĩ nhân.

Phạm Phú Phong

Ý kiến bạn đọc