Vịnh Vân Phong
Vịnh Vân Phong nằm ở huyện Vạn Ninh và huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang chừng 80 km về hướng Bắc. Nếu đi đường biển thì khoảng cách chỉ bằng một nửa sau khi vượt qua vịnh Nha Phu để đi vào vịnh Vân Phong và được chiêm ngưỡng biết bao phong cảnh thủy tú sơn kỳ.
Vịnh Vân Phong có tổng diện tích khai thác là 15.000 ha, gồm 8.000 ha mặt nước và 7.000 ha mặt đất. Bán đảo Hòn Gốm dài gần 30 km chạy từ đèo Cổ Mã (nam đèo Cả) ở Đại Lãnh kéo dài theo hướng Đông Nam, trông như cánh tay bao bọc lấy vịnh nước sâu. Bên trong vịnh còn có hàng chục đảo nhỏ có tên hoặc chưa đặt tên, nhưng có Hòn Lớn nằm ở cửa ra vào trông như đảo tiền tiêu vừa canh gác vừa là tấm bình phong chắn sóng to gió lớn trong mùa mưa bão.
Vịnh Vân Phong có hai cửa biển là cửa Vạn và cửa Giã. Cửa Vạn người Pháp gọi là Port Dayot ở tại Đầm Môn trên bán đảo Hòn Gốm. Cửa Giã thì nằm tại Vạn Giã, là nơi ghe thuyền neo đậu, tới lui buôn bán sầm uất. Thị trấn Vạn Giã là tên ghép của hai cửa Vạn và cửa Giã.
Vịnh Vân Phong. (Ảnh: T.L) |
Tiềm năng kinh tế ở vịnh Vân Phong có thể nói là to lớn. Năm 1977, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định nghiên cứu xây dựng tại đây thành cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam. Đến năm 1997, nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin đã khởi công, và con đường nối liền Quốc lộ 1A với vùng đất nghèo nàn Ninh Diêm, Ninh Phước hoàn thành. Những chuyến tàu cập bến đã thay đổi bộ mặt Vân Phong. Hiện nay, khu công nghiệp Ninh Thủy rộng 400 ha đã hoàn thành và đang hoạt động. Vân Phong hiện có 3 cảng cá và 2 cảng vận chuyển hàng hóa. Cảng Hòn Khởi chuyên vận chuyển muối và xi măng Hòn Khói. Cảng Đầm Môn vận chuyển cát nguyên liệu.
Tiềm năng kinh tế đã biến Vân Phong thành đặc khu kinh tế đa dạng, từ du lịch sinh thái đến công nghiệp tầu biển, sản xuất nguyên vật liệu. Nhờ có vị trí đặc biệt trên bản đồ thương mại - hàng hải quốc tế, Vân Phong đang hướng về tương lai với nhiều triển vọng tốt đẹp...
Ý kiến bạn đọc