Non nước Đồ Sơn
Đồ Sơn là nơi nghỉ mát và tắm biển nổi tiếng ở miền Bắc nước ta, nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng hơn 20km về hướng đông nam.
Tên Đồ Sơn xuất hiện lần đầu tiên trong thư tịch nhà Trần khi sách “Việt sử lược” ghi lại sự kiện vua Lý ra Đồ Sơn xây tháp Tường Long. Từ đó đến nay, các đơn vị hành chính có nhiều thay đổi nhưng tên Đồ Sơn vẫn giữ nguyên như cũ.
Thời Pháp thuộc, khi giặc Pháp xâm lược nước ta, triều đình Huế nhượng cho Pháp cảng Hải Phòng. Năm 1899, Pháp cho thành lập thị trấn Đồ Sơn, trực thuộc tỉnh Kiến An, xây dựng nhiều biệt thự và cơ sở hạ tầng làm nơi an dưỡng, nghỉ mát để phục vụ công chức thuộc địa. Ba năm sau, tức năm 1902, Pháp tách thị trấn Đồ Sơn khỏi tỉnh Kiến An để sáp nhập vào thành phố Hải Phòng cho đến tận ngày nay.
Đồ Sơn có nghĩa là vùng đất có núi, có bùn (đồ : bùn, sơn : núi). Chẳng những Đồ Sơn có núi, có bùn mà còn có biển, có đảo nữa. Đồ Sơn là một bán đảo được phù sa bồi tụ giữa sông Lạch Tray ở phía bắc và sông Văn Úc ở phía nam, nhô dài ra vịnh Bắc Bộ. Đối diện với bán đảo Đồ Sơn, cách bờ chừng hơn 5 km là một đảo nhỏ mang tên Hòn Dấu, nơi có đặt một cây đèn biển quanh năm chiếu sáng, dẫn đường cho tàu bè cập bến Hải Phòng.
Hòn Dấu - Đồ Sơn. (Ảnh: T.L) |
Tuy núi mang tên Cửu Long nhưng có đến 15 đỉnh cao từ 25 - 130m, cao nhất là núi Đốn, nối liền nhau thành một dải quanh co, khuất khúc khiến cho Đồ Sơn có nhiều bãi tắm đẹp và kín đáo. Bãi biển Đồ Sơn không có những dải cát dài và phẳng lì trông ra đại dương mênh mông xanh thẳm như Nha Trang hay Vũng Tàu, cũng không có vẻ đẹp của núi đá nhấp nhô như hòn non bộ của vịnh Hạ Long. Nước biển Đồ Sơn hơi đục vì phù sa của nhiều cửa sông đổ ra biển. Bãi tắm Đồ Sơn nho nhỏ, xinh xinh, chia thành nhiều khu vực, có núi vây bọc. Cái đẹp của biển Đồ Sơn, trước hết là sự kết hợp hài hòa của trời mây non nước. Buổi sáng ở Đồ Sơn lúc mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, ánh nắng phản chiếu như dát vàng trên nước. Ngoài lộng (khơi), những con thuyền to, nhỏ đi lại như mắc cửi, dập dềnh trên sóng nước. Buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, bóng núi đổ dài trên mặt biển màu đỏ hồng, nhất là vào những đêm trăng sáng, biển Đồ Sơn như dát bạc. Du khách đến Đồ Sơn thường bị cuốn hút bởi những cảnh sắc thiên nhiên ở đây đổi thay trong ngày.
Biển Đồ Sơn có nhiều tôm cá. Cá ngon có chim, thu, nhụ, đé , dưa, song, nhám, hồng... Ở ven gành đá có vô số loài hàu, trai. Đáy biển Đồ Sơn còn có thảm rong rộng lớn với nhiều loài có giá trị như rong câu, rong mơ, mứt hoa... những loại rong này là nguồn nguyên liệu quý giá cho ngành công nghiệp và y học. Ngày nay, ở Đồ Sơn còn phát triển nghề làm nước mắm và nuôi trồng hải sản. Hằng năm Đồ Sơn cung cấp cho thành phố Hải Phòng đến 50% số lượng hải sản đánh bắt.
Đã đặt chân đến Đồ Sơn, du khách không thể bỏ qua các di tích chùa Vân Bản, tháp cổ Tường Long trên đỉnh núi Tháp. Tại đỉnh núi bằng phẳng này, một ngàn năm trước đã mọc lên những công trình kiến trúc nghệ thuật nguy nga. Trải qua biết bao mưa nắng và biến cố lịch sử khiến cho chùa tan, tháp đổ. Được biết, tháp Tường Long được xây dựng năm 1058 đời vua Lý Thánh Tông, khoảng 200 năm sau (1258) bị hư hại và được tu sửa. Đến thế kỷ 15, giặc Minh đến thiêu hủy Kinh sách và đốt phá tháp. Đến đời vua Lê Thái Tổ cho xây dựng lại nhưng sang thời nhà Nguyễn, vua Gia Long lại cho triệt phá để lấy đá xây thành.
Vào thế kỷ 18, lãnh tụ nông dân Nguyễn Hữu Cầu khởi nghĩa chống lại triều đình đã chiếm cứ Đồ Sơn đắp lũy đào hào, tích trữ lương thảo. Cuộc khởi nghĩa đã thất bại nhưng những chứng tích của năm xưa vẫn còn đó, nằm rải rác khắp Đồ Sơn.
Đồ Sơn còn là quê hương của hội chọi trâu nổi tiếng ở nước ta được tổ chức vào trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm. Đến Đồ Sơn vào thời điểm này du khách còn được tham dự hội chọi trâu hào hứng và đầy ấn tượng.
Ý kiến bạn đọc