Multimedia Đọc Báo in

Xuân về trên thác Bản Giốc

10:30, 05/02/2012

Giữa cảnh núi non trùng điệp và hùng vĩ, con sông Quây Sơn trong vắt  như dải lụa mềm chảy dưới những dãy núi đá từ xã Ngọc Khê, Chí Viễn... đến Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) rồi tỏa rộng ra đổ xuống thành thác nước cao 3 tầng trắng xóa khổng lồ trên cánh đồng bằng phẳng đổi màu xanh, vàng theo mùa vụ. Thác Bản Giốc báu vật vô giá của đất trời ban tặng, trở thành biểu tượng về vẻ đẹp hùng vĩ nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Thời gian tới, nơi đây sẽ càng thêm đẹp, hấp dẫn du khách từ dự án đầu tư xây dựng của tỉnh Cao Bằng và các bộ, ngành Trung ương.

Non ngàn tuôn dòng thác trắng trên đồng lúa đổi màu
Từ thuở xa xưa, trước vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ của thác Bản Giốc, dân gian đã thêu dệt nhiều giai thoại. Nơi đây có những nàng tiên trên trời xuống tắm; chuyện nàng tiên bay qua đây đánh rơi đôi cánh thần vướng trên  núi rồi hóa thành thác nước khổng lồ... để ví cảnh thác đẹp như chốn tiên cảnh. Còn ngày nay, trong ngành du lịch (DL), thác Bản Giốc được vinh danh “đệ nhất thác” đẹp nhất châu Á. Và điều đặc biệt là thác nằm trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc diện hiếm có trên thế giới. Từ cảm nhận của mỗi người, cảnh thác có những vẻ đẹp riêng biệt. Mỗi người đến đây ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cảnh thác theo từng mùa khác nhau. Bởi trước cảnh thác hùng vĩ tuôn những tầng nước tung bụi trắng từ vách núi khổng lồ dựng đứng đổ ầm ầm xuống dưới là những cánh đồng lúa màu xanh rờn khi mùa xuân tới hè về, rồi ngả màu vàng óng lúa chín đến độ thu sang... Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, bàn tay lao động của người Tày, Nùng nơi đây đã tô điểm cho thác nền cảnh sắc bốn mùa của thiên nhiên.

Tiềm năng du lịch...
Đến với cảnh đẹp của Thác Bản Giốc, chúng ta còn bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kỳ thú, hoang sơ của những bãi đá tự nhiên bên bờ sông Quây Sơn. Có động Ngườm Ngao là mê cung của sắc màu lóng lánh ánh vàng, bạc do giọt nước bào mòn trên kẽ đá ngầm các hang động trải qua hàng triệu năm tạo thành... Người Tày, Nùng ở đây hiền lành,  mộc mạc và chăm chỉ trồng cây hạt dẻ cho hạt thơm bùi, trồng cây mạch làm tương “mác kẻng” thơm, ngon ngậy... là sản vật nổi tiếng.

Hội tụ vẻ đẹp của thiên nhiên và bản sắc dân tộc địa phương, từ năm 2000 trở lại đây, tỉnh Cao Bằng từng bước đầu tư Khu DL thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao và làng Tày cổ Khuổi Ky. Mức đầu tư tuy còn khiểm tốn, nhưng điểm thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao đã thu hút trên 30 nghìn lượt khách/năm. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương quan tâm, đến thăm. Ngày 8-12-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác Trung ương đã đến thăm thác Bản Giốc. Chủ tịch nước nhấn mạnh việc duy trì và phát huy Hiệp định Phân mốc biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để tăng cường hợp tác hữu nghị, ổn định an ninh biên giới. Cùng nằm chung trên đường biên giới, phía Trung Quốc khai thác tiềm năng DL của thác trên địa phận nước bạn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm thác Bản Giốc, ngày 8-12-2011.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm thác Bản Giốc, ngày 8-12-2011.

...Trở thành điểm đến nơi địa đầu Tổ quốc
Để tiếp tục thu hút khách DL đến thác Bản Giốc vào thời gian tới, bà Nhan Thị Minh Thi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cao Bằng cho biết: Năm 2011-2012, Sở tham mưu cho tỉnh hoàn chỉnh Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu DL thác Bản Giốc”; Quy hoạch chi tiết Khu DL thác Bản Giốc để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu DL cấp Quốc gia. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham gia góp ý, đàm phán, ký kết Hiệp định khung bảo vệ và khai thác chung tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên (tên gọi thác Trung Quốc) giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thành lập tổ chuyên gia hỗn hợp tiến hành khảo sát nghiên cứu, xác định phạm vi quy hoạch xây dựng khu hợp tác du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên. Xây dựng chức năng mô hình khu hợp tác, cơ chế quản lý, quy chế đi lại đối với khách DL.

Tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát cấp phép đầu tư. Huy động tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách, vốn chương trình hành động quốc gia về DL,  vốn ODA, vốn liên doanh, nguồn xã hội hóa... để đầu tư các khu điểm DL. Xây dựng chương trình quảng bá, xúc tiến DL giai đoạn 2011-2015, chú trọng giới thiệu quảng bá sản phẩm DL đặc sắc, giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của DL phục vụ phát triển DL.

Năm 2012-2015, tỉnh Cao Bằng sẽ triển khai lập dự án, khởi công xây dựng các hạng mục công trình trong khu hợp tác khai thác DL thác Bản Giốc - Đức Thiên. Hoàn thành một số hạng mục cơ bản để đưa vào phục vụ dịch vụ DL. Nếu đầu tư đồng bộ theo Quy hoạch tổng thể Khu DL thác Bản Giốc của Quyết định 134/2007/QĐ-TTg ngày 17-8-2007 số vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, khách sạn, khu trung tâm du khách, công viên đá, khu vui chơi thể thao..., dự kiến sẽ thu hút cả triệu lượt khách DL, tham quan.

Hiện nay, tuy đầu tư còn hạn chế, nhưng vẻ đẹp thác Bản Giốc luôn được nhân lên niềm tự hào, yêu mến trong lòng mỗi người. Bà Tố Mai, một khách DL ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh xúc động nói: Tôi đã đi DL nhiều thắng cảnh đẹp thế giới, nhưng đến với thác Bản Giốc vẫn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ. Thật thiêng liêng đây là nơi biên cương đất nước.
Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành cho phát triển DL thác Bản Giốc, từ mùa xuân này, thác

Bản Giốc sẽ thu hút hàng triệu tấm lòng của mọi người và bè bạn quốc tế đến với vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng nơi địa đầu Tổ quốc.

Trường Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.