Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mùa cá linh non

10:30, 08/10/2012

Cuối tháng 9, khi chúng tôi về miền Tây Nam Bộ thì mùa nước nổi  đã qua nên cá linh không còn nhiều. Người dân ở đây cho biết: cá linh đổ về nhiều nhất trên sông Tiền, sông Hậu là vào thời gian đầu mùa nước nổi, khoảng từ tháng 5-7 âm lịch hàng năm.

Trong khoảng thời gian ấy, cá linh trên sông Tiền, sông Hậu nhiều vô kể, có những khúc sông thuộc địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, cá linh bơi  từng đàn lớn lấp lánh trên mặt nước; người dân chỉ việc dùng nghe, thuyền vớt cá linh lên...

 

 

Một cơ sở phân phối...
Thuyền buôn cung ứng cá linh non đến các nhà hàng, khách sạn trong vùng

Do lượng cá quá nhiều nên người ta thường đem cá linh làm mắm, và mắm cá linh trở thành món ăn gần gũi của người dân miền Tây Nam Bộ. Loại mắm này được dự trữ quanh năm không thể thiếu trong mỗi gia đình miền sông nước. Mùa mưa, mắm cá linh được kho lên (gọi là kho quẹt) chấm với các loại rau hoang dã, mùa hè thì pha mắm thêm với nước để nấu cùng các loại thủy, hải sản trong vùng gọi là lẩu mắm. Đây là món ăn khoái khẩu của đông đảo thực khách, được ăn kèm với nhiều loại rau, củ là đặc sản của miền Tây như ngó sen, bông súng, bông điên điển, so đũa và bông bí các loại…

Cá linh tẩm bột...
Món cá linh non tẩm bột, trứng trên bàn của thực khách

 

Các loại rau...
Các loại rau cỏ đặc sản của miền sông nước Nam Bộ không thể thiếu khi ăn với cá linh...trong đó bông súng và hoa điên điển là món chủ lực ăn với cá linh kho lạt hoặc lẩu mắm

Về miền Tây Nam Bộ, món lẩu mắm bao giờ cũng được chủ nhà gọi ra đãi khách, coi như đó là phần thưởng xứng đáng cho những ai yêu mến, ghé thăm vùng sông nước mênh mông này. Hơn thế, đây còn được xem là  lời giới thiệu với mọi người một cách trọn vẹn, đầy đủ và chân thật về đời sống văn hóa của cư dân Nam Bộ. Nói như cố nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam: Ăn cái lẩu mắm, trong đó có cá tôm, lươn, mực, thịt thà… là một phần sự sống được chắt ra làm đại diện cho miền sông nước. Phần nữa, các thứ rau cỏ ăn kèm là quà tặng từ phù sa của đất rừng phương Nam. Cuối cùng là người ăn- cứ tự tự do, tự tại… thích gì gắp nấy, không gò bó và khiên cưỡng, ấy cũng là cốt cách của người Nam Bộ vậy !

Một nhận xét thật tinh tế, nhưng sẽ đầy đủ hơn nếu nói rằng: một trong những yếu tố làm nên vốn văn hóa ấy không thể thiếu con cá linh xuôi dòng Mê Kông về trong những mùa nước nổi. Người ta bảo cá linh vừa bơi, vừa lớn quả không sai; bởi đến cuối dòng Mê Kông, nơi đổ vào đất Việt để hình thành nên hai con sông lớn nhất vùng đồng bằng Nam Bộ là sông Tiền và sông Hậu thì con cá linh đã lớn hơn đầu ngón tay - gọi là cá linh non- một nguồn thực phẩm gần như vô tận, giúp người dân miền Tây có cái ăn quanh năm...

Cá linh được bày bán...
Mùa này, cá linh được bày bán tại chợ Ô Môi như một đặc sản của một vùng sông nước

 

Ấp Mỹ Thạnh...
Ấp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Hòa Hưng-TP Long Xuyên-An Giang) là nơi có hoạt động đánh bắt cá linh trên sông Hậu, nhưng nay đã không còn nhiều cá để thả lưới, quăng chài.

 Một dân chài ở ấp Mỹ Hiệp (xã Mỹ Hòa Hưng- TP. Long Xuyên- An Giang) cho biết: mùa nước nổi vừa qua, cá linh non đổ về sông Hậu không còn nhiều như trước, khiến hoạt động đánh bắt ở đây kém sôi động hẳn. Bình thường vào thời điểm này (tuy cuối mùa, nhưng cá linh vẫn còn khá nhiều), người ta vẫn còn dong thuyền đánh bắt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã khác hẳn, lượng cá linh kiếm được cuối mùa giảm nhiều! Thực tế này khiến ai cũng băn khoăn, rồi mai này liệu mùa cá linh non có chỉ còn là nỗi nhớ trong lòng du khách như tôi, hay cũng là nỗi nhớ chính trong lòng mọi người trên dòng sông Tiền và sông Hậu này?

Đình Đối         

    


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.