Multimedia Đọc Báo in

Đèn biển Trường Sa

15:04, 04/09/2012

Đó là 8 ngọn hải đăng trên 8 đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Những ngọn hải đăng ấy không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn khẳng định đó là cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những ngọn đèn ấy không bao giờ tắt, bởi nó được thắp sáng từ tình yêu Tổ quốc vô tận của cán bộ, nhân viên Trạm Bảo đảm an toàn Hàng hải II (thuộc Xí nghiệp Biển Đông và Hải đảo) cùng những người lính Trường Sa.

Ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây sừng sững nhìn từ biển.
Ngọn hải đăng đảo Song Tử Tây sừng sững nhìn từ biển.

“Định vị vệ tinh” cho những con tàu

Đảo Sơn Ca hiện dần trong mắt chúng tôi sau hải trình hơn 2 ngày đêm không nghỉ. Ấn tượng đầu tiên cập bến Sơn Ca là ngọn hải đăng cao vút sừng sững như một pháo đài trước bạt ngàn nắng gió. Trung tá Đỗ Việt Hòa, Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: “Ngọn đèn biển Sơn Ca là một trong 8 ngọn đèn đẹp nhất quần đảo Trường Sa, có hình trụ, với nhiệm vụ vừa phát tín hiệu dẫn đường cho các tàu thuyền qua lại, vừa là trụ đèn soi sáng cột mốc chủ quyền. Điều đặc biệt là nó được xây dựng phía sau nghĩa trang liệt sĩ của đảo. Mỗi lần thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ, nhìn ngọn hải đăng như thấy ánh sáng niềm tin và yêu Tổ quốc mình hơn. Tất cả các đoàn khách đến viếng liệt sĩ ở nghĩa trang này, sau khi  thắp hương tưởng niệm đều ngước mắt nhìn về ngọn hải đăng”.

Hiện nay trên 21 đảo và điểm đảo Trường Sa có 8 ngọn hải đăng ở các đảo Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và ngọn hải đăng Nam Yết đang được xây dựng. Tất cả 8 ngọn hải đăng trên 8 đảo và điểm đảo do các kỹ sư, cán bộ, nhân viên của Trạm Bảo đảm an toàn Hàng hải II thuộc Xí nghiệp Biển Đông và Hải đảo đảm nhận vận hành, bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế. Việc xây dựng trạm hải đăng trên các đảo bắt đầu từ khi đường hàng hải quốc tế được mở rộng trên biển, và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngoài chức năng dẫn đường cho tàu thuyền qua lại khu đường hàng hải quốc tế, mỗi ngọn hải đăng còn là ngọn đèn đánh dấu tọa độ bãi cạn, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước lân cận khai thác đánh bắt hải sản trên khu vực biển của mình.

Đèn biển ở đảo Sơn Ca.
Đèn biển ở đảo Sơn Ca.

Nếu ngọn hải đăng ở đảo Sơn Ca có hình trụ, chân đế xây hình cột cờ Hà Nội, thì ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây lại xây hình tháp, còn ngọn hải đăng ở đảo Đá Lát thiết kế theo hình mũi tên. Theo anh Trần Văn Ngữ, Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Sinh Tồn, việc xây dựng ngọn đèn hải đăng có hình dạng kết cấu khác nhau tùy thuộc vào địa chất và nền san hô. Ở đảo Song Tử Tây, ngọn hải đăng được xây theo hình tháp tròn ở phía đông đảo, đón những tia nắng đầu tiên buổi sớm. Ngọn hải đăng ở đảo Đá Lát xây trên nền san hô cách nơi ở của cán bộ chiến sĩ hơn 300 mét về phía bắc, có kết cấu bằng sắt thép với những lỗ xiên hoa để giảm gia tốc của sức gió. Ông Mai Khả Dục, tổ trưởng sửa chữa máy tàu, người đã có nhiều năm làm việc ở Công ty Hậu cần Nghề cá Biển Đông thuộc đảo Đá Tây chia sẻ: “Tôi đã đến nhiều đảo và trèo lên các ngọn hải đăng. Mỗi ngọn hải đăng xây dựng theo kết cấu khác nhau, nhưng có một điểm chung là phát tín hiệu trong đêm tối để tàu thuyền biết đường đi lại. Nếu đi biển gặp trời tối, bà con ngư dân chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng là cảm thấy rất yên tâm đánh bắt. Ghe của bà con ngư dân từ đất liền ra khai thác hải sản luôn lấy ánh sáng của ngọn hải đăng làm điểm tựa. Những ghe tàu bị mất định vị, hỏng máy, trong đêm tối chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của hải đăng là yên tâm và không bao giờ lo lạc đường”.

 Những người “thắp lửa” trong đêm

Để những ngọn hải đăng không bao giờ tắt, cán bộ, kỹ sư, nhân viên Trạm Bảo đảm an toàn Hàng hải II phải làm việc ngày đêm trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên tiếp xúc với ắc qui, axít và thiết bị máy móc, những vật dẫn điện. Bất kể nắng hay mưa, mùa biển lặng hay mùa bão tố và trong điều kiện hoàn cảnh nào, ngọn hải đăng không bao giờ được tắt, đó là nguyên tắc “dĩ bất biến”, là mệnh lệnh chiến đấu. Cũng do tính chất công việc như thế mà cán bộ, kỹ sư nhân viên Trạm Bảo đảm an toàn Hàng hải II còn được gọi là “những người thợ đèn”, cũng có khi gọi là “lính nhà đèn”.

Công việc của những người thợ đèn không kém phần thầm lặng hy sinh. Những ngọn hải đăng sáng mãi theo thời gian, cũng đồng nghĩa với những người lính nhà đèn thêm nhiều sợi tóc bạc. Bên cạnh huấn luyện phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà đèn, những người thợ đèn phải lau chùi bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên ngọn hải đăng trong điều kiện khí hậu hết sức khắc nghiệt. Do nhiễm nước biển mặn, những ngọn hải đăng thường xuyên bị gỉ sét, nếu không bảo quản thường xuyên đèn dễ bị chập, cháy. Giữa nắng cháy da và gió rát mặt, những người thợ phải leo lên đỉnh cao cột đèn bảo dưỡng. Ở đỉnh cao ấy, chỉ cần sơ suất là xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Khi màn đêm buông xuống, cũng là ngọn hải đăng bắt đầu hoạt động. Những người thợ đèn phải chia ca nhau trực từ 18 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Chiến sĩ Trần Văn Đỉnh, quê Thanh Hóa, là lính tăng cường cho nhà đèn ở đảo Sơn Ca tâm sự: “Mỗi đêm nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời, em thấy Tổ quốc mình quá đỗi thiêng liêng. Chính ngọn đèn biển đảo Sơn Ca này đã thắp sáng lên trong tim em tình yêu biển đảo. Những ngày gian khó ở Trường Sa đã rèn luyện em trưởng thành. Ngọn hải đăng đảo Sơn Ca sẽ không bao giờ tắt”.

Anh Trần Văn Ngữ, Trạm trưởng Trạm hải đăng đảo Sinh Tồn, người đã có thâm niên 18 năm gắn bó với 8 ngọn hải đăng trên các đảo chia sẻ: “Cuộc đời người thợ đèn như những người đi thắp lửa trong đêm. Mỗi khi nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời đen kịt, mình như thấy đó là ánh sáng của Tổ quốc giữa biển trời. Từng nhịp đèn chớp nháy, là nhịp thở và sự sống của lính thợ đèn”. Khi được hỏi về điều kiện sống của những người “lính nhà đèn”, anh Ngữ cho biết: “Tuy điều kiện đời sống của anh em bây giờ đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây, song công việc của chúng tôi vẫn hết sức vất vả. Thợ nhà đèn các trạm hải đăng ở đảo nổi như Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa lớn thuận lợi hơn, còn ở các đảo chìm như Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ, An Bang gian khổ hơn nhiều. Vào những ngày mưa bão, sóng to gió lớn, nhiều khi sóng đánh lên tận sàn nhà ở tầng một, cứ 15 phút chúng tôi phải thay nhau trực và kiểm tra các thông số kỹ thuật. Ngày chưa có pin từ năng lượng mặt trời, chúng tôi phải chạy máy nổ suốt đêm và trực canh bởi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngọn hải đăng cũng không được tắt”. Được biết, anh Ngữ quê ở Hải Phòng, chọn nghề thợ đèn ngoài đảo xa cũng vì tình yêu với biển đảo. Anh bảo: “Mình quê đất cảng, quanh nhà mình toàn bộ đội Hải quân, mình muốn cống hiến sức trẻ cho Trường Sa. Thông thường năm về phép một lần, nhưng cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ gần 2 năm hoặc lâu hơn nữa mới được vào đất liền. Mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái, cha già mẹ yếu đều một vai người vợ ở nhà lo toan sớm tối”.

Trường Sa bây giờ đã từng bước thay da đổi thịt, những người thợ nhà đèn cũng không gian khổ như ngày xưa, ngọn hải đăng thắp sáng giữa trời đêm bằng điện năng lượng mặt trời. Và không chỉ có anh Ngữ, nhiều kỹ sư, cán bộ, nhân viên trẻ làm việc trên các nhà đèn giữa đại dương bao la cũng đang thầm lặng hy sinh tuổi thanh xuân của mình để những ngọn hải đăng sáng mãi giữa biển trời Tổ quốc.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.