Những viên đá chủ quyền Trường Sa dưới chân cột cờ giới tuyến
Đến với di tích Bến Hải – Hiền Lương (Quảng Trị), chúng tôi được nghe biết bao câu chuyện cảm động trong những ngày đất nước còn bị chia cắt. Bến Hải – Hiền Lương trong quá khứ đau thương, khốc liệt, khói lửa và đổ nát thì hôm nay nó được mọi người khắp nơi biết đến như một chứng tích lịch sử hào hùng, một mảnh đất tâm linh.
Bến Hải – Hiền Lương ôm trong mình tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý chí kiên cường của dân tộc. Và đến đây chúng ta còn được mục sở thị về những viên đá chủ quyền Trường Sa được sắp đặt quanh di tích cột cờ giới tuyến bên bờ bắc sông Bến Hải càng làm cho cụm di tích Bến Hải – Hiền Lương thêm phần thiêng liêng. Có thể nói, khó có một nơi nào trên đất nước ta những viên đá chủ quyền Trường Sa lại có một vị trí và ý nghĩa trang trọng như ở đây.
Đá chủ quyền đảo Trường Sa được lắp đặt dưới chân cột cờ giới tuyến (Quảng Trị). |
21 viên đá chủ quyền Trường Sa tượng trưng cho 21 hòn đảo thuộc chủ quyền của nước ta ở quần đảo Trường Sa được đặt bên cột cờ giới tuyến vào đúng dịp lễ kỷ niệm 36 năm ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 – 30-4-2011) càng làm thiêng liêng hơn, ý nghĩa hơn về sự thống nhất của Tổ quốc cả về vùng đất, vùng trời và vùng biển. 21 viên đá chủ quyền được lấy từ 21 đảo với những tên gọi cụ thể từng đảo. Những viên đá ở đây đã khiến biết bao người xúc động khi nghĩ đến những chiến sĩ ta đang ngày đêm canh giữ vùng biển của Tổ quốc. Dẫu có có trăm nghìn gian khổ nhưng những người lính Trường Sa vẫn chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền mà cha ông ta đã để lại. Các anh đã đặt lợi ích thiêng liêng của Tổ quốc lên trên lợi của bản thân để cống hiến cho đất nước.
Dòng Bến Hải trong chiến tranh là một dòng sông đau thương bởi nó như một vết dao rạch ngang đất nước để rồi chỉ cách nhau một con sông mà biết bao người ruột thịt phải chia cắt tình cảm. Đứng lặng giữa đôi bờ, ngắm nhìn sông Bến Hải, một con sông hiền hòa, thơ mộng đã có một thời gian dài phải oằn mình làm mốc phân chia đất nước Việt Nam. Nỗi đau chia cắt thật khắc nghiệt nhưng cũng tự hào biết bao khi ta đứng trên cây cầu Hiền Lương lịch sử ngắm dòng sông anh hùng, nhìn lên cột cờ giới tuyến với lá cờ đỏ năm cánh sao vàng tung bay trong gió và xúc động hơn khi dưới chân cột cờ giới tuyến là hồn thiêng của Tổ quốc – những viên đá chủ quyền Trường Sa.
Trong chiến tranh, Bến Hải – Hiền Lương thật hào hùng với lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay mặc cho mưa bom bão đạn của quân thù. Sự tồn tại của lá cờ bằng chính máu xương của đồng bào đồng chí, bằng chính những bàn tay của các mẹ, các chị ngày đêm vá cờ như sức sống bất diệt của dân tộc. Và trong thời bình cũng vậy, những chiến sĩ Trường Sa vẫn ngày đêm đạp lên những cơn sóng dữ để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh những viên đá chủ quyền cũng là hiện thân của các anh. Nhiều người xúc động đến nghẹn lời khi được chạm tay vào những viên đá chủ quyền Trường Sa dưới chân cột cờ giới tuyến, bởi đó là hồn thiêng của dân tộc, đó là niềm tự hào không phải của riêng ai.
Trong chiến tranh đã có biết bao người đã hy sinh vì sự tồn tại vĩnh viễn của lá cờ giới tuyến. Sau chiến tranh, đã có những người lính nắm tay nhau thành vòng tròn bất tử quanh lá cờ Tổ quốc giữa biển khơi. 21 viên đá chủ quyền Trường Sa ở kỳ đài Hiền Lương ngoài ý nghĩa làm giàu thêm bảo tàng chiến tích bảo vệ chủ quyền đất nước của con người Việt Nam còn là những lời nhắn nhủ yêu thương của đất liền luôn hướng về biển đảo Trường Sa thân yêu. Những viên đá đó còn như một lời thề thiêng liêng để Trường Sa mãi được ôm trong lòng những người con đất Việt với tinh thần yêu nước không gì có thể khuất phục được.
Lê Khắc Niên
Ý kiến bạn đọc