Multimedia Đọc Báo in

Đến với Thiền viện lớn nhất miền Tây Nam bộ

20:00, 29/11/2014
Cái nắng gay gắt tháng 11 không ngăn được hàng nghìn du khách từ mọi miền đất nước đổ về Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) để tận mắt chứng kiến quần thể kiến trúc xây dựng rất công phu, độc đáo, được xem là hoành tráng và rộng nhất miền Tây Nam bộ với diện tích trên 38.000 m2.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khởi công xây dựng vào ngày 16-7-2013 và khánh thành vào ngày 17-5-2014. Dù thời gian thi công tương đối ngắn nhưng nhờ có sự chuẩn bị vật liệu khá chu đáo và nỗ lực thi công ngày đêm của hàng trăm thợ lành nghề nên công trình bảo đảm chất lượng cao. Thiền viện được xây dựng theo kiến trúc văn hóa thời Lý - Trần. Lầu để chuông cổ và lầu để trống được xây dựng theo hình tháp chuông chùa Keo ở Thái Bình, tất cả được làm bằng gỗ lim được nhập từ Nam Phi. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thờ trong chánh điện được làm bằng đồng, nặng 3,5 tấn tạc ở tư thế ngồi, tay cầm cành hoa; hai bên là tượng Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn Thù. Bên trong Tổ điện là tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ. Tượng Bồ Tát và các vị tổ sư được tạc bằng gỗ Du Sam có tuổi thọ trên 800 năm. Khuôn viên được bài trí rất cân đối hai bên lối vào với các công trình như: Điện thờ Quan Âm, Di Lặc, Chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược... Dọc theo lối vào Chánh điện có rất nhiều tượng Phật bằng đá quý xếp thẳng hàng trông rất đẹp mắt và uy linh.

Tháp để trống của Thiền viện.
Tháp để trống của Thiền viện.

Được biết, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam do Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất xây dựng và đi đầu trong việc vận động đóng góp xây dựng Thiền viện, với tổng kinh phí trên 145 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa. Đặc biệt, nhân lễ khánh thành Thiền viện, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cúng dường tặng Thiền viện 2 bức tượng Phật quý hiếm. Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, mục đích xây dựng Thiền viện xuất phát từ tâm nguyện khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của tăng, ni, Phật tử và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ mong muốn có một ngôi chùa để kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Như vậy, đến nay cả nước đã thành lập được 58 cơ sở với quy khác nhau thuộc hệ thống Thiền viện Trúc Lâm.

 Du khách vào Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.
 Du khách vào Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.

Một điểm thuận lợi cho du khách muốn đến vãn cảnh là Thiền viện tọa lạc bên cạnh làng du lịch Mỹ Khánh vốn nổi tiếng từ lâu và có nhiều tour du lịch. Vì vậy sự kết hợp giữa những điểm du lịch sinh thái với Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam báo hiệu cho sự ra đời của loại hình du lịch tâm linh đầy lý thú - du lịch “sinh thái - hành hương” đang hình thành và sẽ phát triển trong tương lai của đất Tây Đô.

Trong không gian trầm mặc, uy thiêng giữa tiếng chuông ngân nga bổng trầm lan tỏa trên dòng sông rộng mênh mông, trong màu xanh thâm thẫm của bạt ngàn vườn cây ăn trái quanh năm, đến với Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, tâm tình của du khách sẽ nhẹ tênh đến lạ thường để trải lòng mình với đấng từ bi những buồn vui trong cuộc sống và mơ màng hướng về một cõi không hư vô thật yên bình, không đua chen danh lợi của cuộc đời.

Trấn Giang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.