Multimedia Đọc Báo in

Đền Hùng – điểm đến tâm linh của người dân đất Việt

07:45, 25/04/2018

Với người dân đất Việt, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (lễ hội Đền Hùng) từ lâu đã là biểu tượng của văn hóa tâm linh, nơi mà dù ở bất cứ nơi đâu, những người con của Tổ quốc vẫn luôn hướng về với tấm lòng thành kính tri ân.

Quần thể di tích Đền Hùng được xây dựng từ chân đến đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (TP. Việt Trì, Phú Thọ) có độ cao 175 mét, gồm các di tích: Đền Hạ, chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Giếng, Đền Thượng, Lăng Vua Hùng. Đến thăm Đền Hùng vào dịp tháng Ba, bạn sẽ được di chuyển trong tiết trời se lạnh, sương trắng rơi dày cả rừng cây, dọc lối đi, tạo cho không gian Đền Hùng thêm phần huyền ảo như một bức tranh thủy mặc. Để đến với Đền Hạ, từ chân núi, bạn bắt đầu leo qua 225 bậc đá, tuy quãng đường khá dài, nhưng bạn sẽ quên hết mệt nhọc khi biết được ý nghĩa của ngôi đền. Theo truyền thuyết, nơi đây Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Lạc Long Quân dẫn 49 người con xuống biển, Âu Cơ dẫn 49 người con lên non, còn người con trưởng ở lại làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Trong chuyến thăm Đền Hùng vào tháng 9-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các chiến sĩ đại đoàn 308 Quân Tiên Phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Du khách thắp nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Du khách thắp nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Tiếp tục hành trình, bạn sẽ chinh phục 168 bậc đá cao, leo lên lưng chừng núi để tới thăm Đền Trung. Theo huyền sử, nơi đây các Vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi, ngắm cảnh đồng thời họp bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Đây cũng là nơi hoàng tử Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy lên vua cha nhân dịp Tết. Đền được xây dựng vào thế kỷ XIV, từ đó đến nay, nhân dân trong vùng đã nhiều lần tôn tạo, trùng tu lại khang trang hơn.

Tháng Ba, Phú Thọ tưng bừng lễ hội, du khách được thưởng thức dân ca Phú Thọ, nghe hát xoan và hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc trên vùng đất thiêng này.

Vượt thêm 102 bậc đá là bạn đã lên tới đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nơi có Đền Thượng. Đây được xem là khu vực mà Vua Hùng thường tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cách Đền Thượng không xa là Lăng Hùng Vương (mộ Vua Hùng thứ 6). Từ Lăng đi xuống, bạn sẽ bắt gặp Đền Giếng - nơi thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con Vua Hùng thứ 18) đã có công dạy dân trồng lúa, trị thủy. Hậu cung Đền có một giếng nước, gọi là Giếng Ngọc, nơi các công chúa thường soi gương, chải tóc. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều công trình tương xứng với vị thế của vùng đất Tổ, như 2 ngôi đền thờ Quốc mẫu Âu Cơ và Quốc tổ Lạc Long Quân…

Có lẽ, ngoài tham quan, thưởng thức cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, điều quan trọng nhất với khách hành hương là đến Đền Hùng để thắp nén tâm nhang, tỏ lòng thành kính với tổ tiên, với các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Du khách thập phương vượt qua các bậc đá cao để thăm Đền Hùng.
Du khách thập phương vượt qua các bậc đá cao để thăm Đền Hùng.

Bên cạnh đó, về thăm Đền Hùng (nhất là vào tháng Ba âm lịch) còn là dịp để bạn được thưởng thức dân ca Phú Thọ, nghe hát xoan và hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc trên vùng đất thiêng này: đánh trống đồng, đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng, thổi lửa nấu cơm thi, đi cà kheo, rước kiệu, đấu vật, cờ tướng…

Tháng Ba, Phú Thọ tưng bừng lễ hội, khắp mọi ngả đường rợp cờ Tổ quốc,  cờ lễ hội, băng rôn như hân hoan chào đón người dân từ mọi miền đất nước về thăm. Dù đã đến hoặc chưa có dịp ghé Phú Thọ, thăm Đền Hùng, nhưng câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng Ba” từ lâu đã in sâu trong tâm thức của người dân đất Việt, nhắc nhớ chúng ta rằng dù là ai, đi bất cứ nơi nào cũng không được lãng quên cội nguồn dân tộc, tổ tiên.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.