Huyền tích núi Mò O
Tỉnh Bình Định có nhiều ngọn núi nổi tiếng. Trong đó, núi Mò O huyền thoại gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ về vương quốc Chăm Pa và vương triều Tây Sơn, là một trong những thắng cảnh độc đáo của xứ Nẫu.
Đi theo Quốc lộ 1A từ huyện Phù Cát vào thị xã An Nhơn, nhìn về hướng đông, du khách sẽ thấy phía xa xa một ngọn núi trơ trọi giữa cánh đồng rộng lớn. Đó là núi Mò O thuộc địa phận hai thôn Lý Tây và Nhơn Thuận (phường Nhơn Thành, TX. An Nhơn), sườn phía bắc thuộc thôn Chánh Mẫn (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát).
Nhìn từ xa, đỉnh núi có hình phễu như miệng há lên trời. Ở sườn núi có một ngọn tháp Chăm (tháp Phú Lốc) cao vút giữa trời xanh trong như ngọn bút viết lên trời nên núi có thêm tên Thiên Bút, nghĩa là “cây bút của trời”. Núi còn có nhiều tên gọi khác như Ma Ha, Tiên Tỉnh Sơn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép núi tên Mô Ô, có lẽ do phiên âm hai tiếng “mò o” ra chữ Hán mà thành.
Đến thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), ngoài thành Đồ Bàn, tháp Cánh Tiên, chùa Thập Tháp là những di tích cấp quốc gia, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội du ngoạn núi Mò O. Bạn sẽ được hòa mình vào giữa thiên nhiên trong lành, tươi đẹp, được nghe người dân quanh vùng kể nghe những giai thoại ly kỳ về người Chăm, về vương quốc Chiêm Thành cùng vương triều Nguyễn Nhạc - chắc chắn sẽ là những trải nghiệm thú vị. |
Núi Mò O không cao lắm (345 m) nhưng dáng vẻ uy nghi, lại một mình một cõi, chiếm thế cô phong độc tú. Núi án ngữ phía bắc thành Đồ Bàn, được xem là bình phong cho kinh đô Vijaya của vương quốc Chiêm Thành trước đây và thành Hoàng Đế của vương triều Nguyễn Nhạc sau này. Vì thế, xung quanh ngọn núi này là những huyền tích với bao nhiêu câu chuyện ly kỳ còn truyền lại đến ngày nay. Chẳng hạn, tương truyền, vào đời vua Lê Cảnh Hưng, có một thầy địa lý người Trung Hoa thường qua lại vùng này để tìm mạch đất. Nguyễn Nhạc thấy lạ bèn theo dõi người này. Khi ông thầy địa lý trồng hai cây trúc để làm dấu long mạch, Nguyễn Nhạc đã nhổ và trồng hoán đổi làm cho cây phía bắc khô héo còn cây phía nam tốt tươi. Thầy địa lý kia thấy cây héo, nghĩ là mạch đất không đúng nên bỏ đi. Nguyễn Nhạc đem mộ thân sinh táng vào đó mà về sau làm nên nghiệp đế vương.
Núi Mò O. |
Xung quanh ngọn núi này còn có nhiều giai thoại kỳ thú liên quan đến người Chăm. Dân gian truyền rằng, núi Mò O rất linh thiêng. Người dân quanh vùng kể họ từng chứng kiến vàng Hời và đồng đen rủ nhau đi ăn đêm. Chúng đội lốt con trâu, nải chuối, buồng cau di chuyển qua các lùm cây, bờ rào quanh núi. Chỉ có những người hợp tuổi mới bắt được vàng Hời và đồng đen. Những câu chuyện ly kỳ như vậy dệt nên một màn sương huyền thoại phủ vây núi Mò O, làm cho ngọn núi này trở nên hấp dẫn khiến nhiều du khách muốn đến tận nơi để khám phá.
Ngày nay, trải qua những thăng trầm của thời gian, những biến dời của lịch sử, núi Mò O vẫn đứng sừng sững như là chứng tích của bao nhiêu dâu bể trên mảnh đất kinh xưa. Núi Mò O vừa hiền hòa, gần gũi giữa sắc xanh ruộng đồng, làng mạc; vừa uy nghi, bí ẩn giữa trời mây và lớp sương mờ huyền tích…
Phạm Tuấn
Ý kiến bạn đọc