Multimedia Đọc Báo in

Về Quảng Ngãi thăm chùa Ông Thu Xà

07:11, 03/06/2018

Chùa Ông Thu Xà là một trong “ngũ đại danh tự” của tỉnh Quảng Ngãi (cùng với chùa Hang Lý Sơn, chùa Thiên Ấn, chùa Hoa Nghiêm và chùa Diêm Điền), được công nhận là Di tích quốc gia năm 1993.

Chùa tọa lạc tại thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (trước đây thuộc huyện Tư Nghĩa, nay thuộc TP. Quảng Ngãi), cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về hướng đông.

Chùa Ông Thu Xà được người Hoa Minh Hương sống ở vùng Thu Xà xây dựng vào năm Minh Mạng thứ hai (năm 1821). Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay chùa vẫn giữ được gần như kiến trúc ban đầu. Trong gần 200 năm tồn tại, ngôi chùa này là nơi sinh hoạt tâm linh chung của cả người Hoa và người Việt tại Thu Xà.

Về quy mô, chùa Ông Thu Xà nhỏ hơn so với các chùa thờ Quan Công ở Hội An (Quảng Nam). Tuy nhiên, chùa lại có sự kết hợp hài hòa các yếu tố kiến trúc Việt - Hoa trong một tổng thể giàu tính thẩm mỹ. Từ ngoài vào, các công trình của chùa gồm tam quan, bình phong và trụ biểu, lầu trống và lầu chuông, chánh điện được bố trí theo một trục đạo với một bố cục chặt chẽ, đăng đối và tuần tự.

Chùa Ông Thu Xà.
Chùa Ông Thu Xà.

Về tổng thể, chùa có kiến trúc hình chữ “tam” với ba khối nhà liền nhau: tiền đường, chánh đường và hậu cung. Chánh đường thờ Quan Vũ, hậu cung thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là mô hình “tiền thánh hậu phật” rất phổ biến trong kiến trúc chùa của người Minh Hương ở Việt Nam. Nghệ thuật trang trí ở chùa Ông Thu Xà cũng đạt đến trình độ tinh xảo, đặc biệt là các kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng, chạm lộng trên các bình phong, cột, khám thờ, tượng, diềm bia…

Tại chùa Ông Thu Xà hiện còn lưu 6 bia đá viết bằng chữ Hán được tạo dựng vào các năm 1895 và 1920, ghi lại việc trùng tu chùa. Các bia này được trang trí bằng hình chạm nổi lưỡng long tranh châu. Đây là những bia đá có giá trị lịch sử và mỹ thuật.

Chùa Ông Thu Xà là một trong những địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng nổi tiếng nhất tại Quảng Ngãi, thu hút nhiều người đến tham quan, chiêm bái, nhất là vào các dịp tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, lễ Phật đản, lễ Vu lan báo hiếu... Hằng năm, tại đây còn có lễ hội chùa Ông Thu Xà với nhiều hoạt động đậm sắc màu văn hóa, tâm linh (như rước xe hoa, thả hoa đăng, phóng sinh, múa lân, dâng hương, phát lộc…) và thấm đẫm tinh thần nhân văn (cầu quốc thái dân an, tế cáo âm hồn…). Lễ hội diễn ra từ ngày 14 và 15 tháng 7 âm lịch, thu hút đông đảo du khách thập phương về hành hương, vãn cảnh.

Về vùng Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), ngoài đặc sản kẹo gương Thu Xà nổi tiếng, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội đến vãn cảnh chùa Ông Thu Xà. Về đây, du khách sẽ được chứng kiến những nét tinh hoa trong kiến trúc chùa, được nghe các vị cao niên kể những giai thoại gắn với chùa và nhất là cảm nhận được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.

Tư Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.