Thăm đền Mẫu Đồng Đăng miền biên viễn
Đền Mẫu Đồng Đăng hay còn gọi là “Đồng Đăng linh tự” là di tích lịch sử nổi tiếng ở tỉnh biên giới Lạng Sơn, là nơi thờ Phật, thờ Mẫu và là nơi chiêm bái tâm linh của du khách mọi miền mỗi khi dừng chân ở xứ Lạng.
Đền Mẫu Đồng Đăng tọa lạc trên một đồi cao thuộc thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Vùng đất này vốn nổi tiếng trong câu ca xưa: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”, nơi đây gần cửa khẩu Hữu Nghị, gần chợ Đồng Đăng, vốn là nơi giao thương hàng hóa từ lâu của cư dân mọi miền. Cổng tam quan của đền được xây dựng khang trang, uy nghi, phía sau là không gian đền với những công trình kiến trúc được xây dựng khá tinh xảo theo lối tăng cấp, tựa mình vào ngọn núi.
Những huyền tích về đền Mẫu Đồng Đăng vẫn được lưu truyền và được nhân dân kể lại. Ngôi đền gắn với một nhân vật được coi là một trong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam, là Mẫu Liễu Hạnh. Nơi tọa lạc ngôi đền hôm nay là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan). Công chúa Liễu Hạnh vốn là con gái Vua cha Ngọc Hoàng, vốn yêu quý trần gian nên bà thường hiển linh để giúp đỡ dân lành được khỏe mạnh, ấm no, hạnh phúc. Nhân một ngày dừng chân ở vùng đất Lạng Sơn, nơi có phong cảnh hữu tình, núi non trùng điệp, hoa thơm quả ngọt muôn nơi, công chúa Liễu Hạnh nhìn thấy trong khu rừng rậm rạp có một ngôi chùa bị cỏ cây bao phủ, tượng Phật không có ai hương khói. Công chúa Liễu Hạnh ngồi tựa vào gốc cây cất tiếng hát, chờ trạng nguyên Phùng Khắc Khoan đi qua. Khi gặp Phùng Khắc Khoan, công chúa Liễu Hạnh đã nhắc khéo Trạng Bùng tu sửa ngôi chùa nơi đây. Biết được lời đề nghị của công chúa Liễu Hạnh, Phùng Khắc Khoan đã gọi các bô lão trong vùng, giao cho tiền để tu sửa ngôi chùa. Từ đó, nhân dân vùng Đồng Đăng hương khói thờ Phật và thờ Mẫu Liễu Hạnh. Lâu dần theo thời gian, ngôi chùa nơi biên ải này trở thành ngôi đền, nơi thờ cả Phật và Mẫu.
Đền Mẫu Đồng Đăng luôn rất đông du khách tới du Xuân vào dịp đầu năm mới. Ảnh: SGGP |
Đền Mẫu Đồng Đăng là một trong những di tích lớn gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Đây cũng là một công trình kiến trúc độc đáo. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu tựa sơn (tựa lưng vào núi) khá vững chãi và uy nghi. Hoa văn, họa tiết của đền khá tinh xảo và đậm chất dân tộc Việt. Những mái vòm cong vút của cổng tam quan và ngôi đền khiến cho ai đến đây cũng liên tưởng ngôi đền như một bông hoa sen đang xòe cánh và tỏa hương thơm ngát.
Bước chân qua cổng tam quan của ngôi đền, du khách sẽ được chiêm bái vẻ đẹp toàn cảnh của ngôi đền theo hướng nhìn lên cao. Đó là tòa tháp cao vút phóng lên trời xanh, tựa lưng vào dáng núi kỳ vĩ. Không gian thờ tự được sắp xếp hài hòa, gồm các ban thờ Mẫu Liễu Hạnh, ban thờ Phật, thờ Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ, ban thờ Tứ phủ Quan Hoàng, ban thờ Chầu Bơ, Chầu Lục, thờ Quan Trần Triều Đức Đại Vương… Trên cùng là ban thờ Vua cha Ngọc Hoàng ở gần đỉnh của tòa tháp.
Trong khói hương lan tỏa khắp không gian ngôi đền, âm thanh dìu dặt của những làn điệu hát văn hầu đồng khiến cho con người như lạc vào một không gian thờ Mẫu linh thiêng và thanh tịnh. Con người đến đây để chiêm ngưỡng tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt, cầu Mẫu ban cho mưa thuận gió hòa, ấm no, khỏe mạnh. Điều đặc biệt, tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Mẫu Đồng Đăng gắn liền với những quan niệm nhân sinh của cư dân miền biên ải xứ Lạng, gắn với núi rừng, hoa thơm trái ngọt. Vì vậy, khi đến đây, những âm điệu của điệu hát chầu văn như đưa tâm hồn con người hòa vào vẻ đẹp của núi rừng nơi thượng ngàn biên viễn để lắng nghe được thanh âm trong trẻo của cuộc sống nơi đây.
Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm trong không khí mùa xuân của đất trời đang rạo rực. Lễ hội gắn với những tín ngưỡng thờ Mẫu và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc vùng cao ở xứ Lạng như lễ hội Lồng tồng, các trò chơi dân gian hết sức sinh động.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc