Multimedia Đọc Báo in

Chợ phiên Cốc Ly ở cao nguyên Bắc Hà

12:31, 16/01/2021

Đến cao nguyên Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) mà không đi chợ phiên Cốc Ly thì du khách chưa cảm nhận hết bản sắc văn hóa của vùng đất này. Chợ phiên Cốc Ly là không gian văn hóa chợ phiên vùng cao vô cùng độc đáo...

Chợ phiên Cốc Ly nằm ở xã Cốc Ly, cách trung tâm thị trấn Bắc Hà 12 km, dọc theo dòng sông Chảy hiền hòa, thơ mộng. Chợ họp phiên vào sáng thứ ba hằng tuần, những ngày khác vẫn có chợ nhưng không đông đúc và tấp nập như ngày chợ phiên. Phiên chợ Cốc Ly là không gian hội tụ văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc như Mông, Tày, Dao, Nùng...

Vào ngày họp chợ, ngay từ sáng sớm, trong màn sương dày đặc, quyện trên những lối đi đã nghe thấy tiếng chân ngựa lóc cóc trên đường, tiếng người nói xôn xao. Với người dân vùng cao, chợ phiên không đơn thuần là nơi bán mua hàng hóa mà còn là chốn hẹn hò, gặp gỡ, trao đổi... Vì vậy, đi chợ đôi khi chỉ là cái cớ để giao lưu, gặp gỡ nên đồng bào nơi đây xuống chợ đông vui, tấp nập như đi dự hội.

Đồng bào vùng cao bán đồ trang sức ở chợ phiên Cốc Ly.
Đồng bào vùng cao bán đồ trang sức ở chợ phiên Cốc Ly.

Bước chân vào chợ phiên Cốc Ly, du khách sẽ cảm nhận được ngay sự hiện diện của những sắc màu văn hóa qua hoa văn thổ cẩm trên trang phục của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, trên những sạp quần áo thổ cẩm được bán ở chợ. Thêm vào đó là sự phong phú của ngôn ngữ. Sự độc đáo của chợ phiên Cốc Ly còn được thể hiện ở những món hàng bày bán. Hàng hóa ở chợ chủ yếu là những sản phẩm do cư dân địa phương làm ra và mang bày bán, ít khi có hàng nhập từ Trung Quốc hay chuyển từ miền xuôi lên. Dãy hàng bán rau xanh chất đầy những bó cải nương, rau đậu Hà Lan, rau su su non mơn mởn vừa hái trên núi, những sọt dưa núi quả to chừng bắp chân được trồng trên sườn núi, củ cải, nấm hương, củ gừng, củ cải đỏ, mộc nhĩ... Ở một góc khác là nơi bán thịt lợn đen, gà sống thiến, vịt bầu, cá suối. Góc bán quần áo thường hấp dẫn phụ nữ, trẻ em và các thiếu nữ với những sản phẩm thổ cẩm đủ các sắc màu, hoa văn tinh xảo do chính bàn tay khéo léo của những người phụ nữ vùng cao làm nên.

Khu vực bán hàng ăn lúc nào cũng nghi ngút khói và râm ran tiếng trò chuyện, tâm tình. Ở đây, người bán kê những chiếc bàn rộng, những chiếc ghế dài rồi bày tất cả những món ăn lên mặt bàn. Thực khách có nhu cầu ăn món gì, ăn bao nhiêu thì chủ quán sẽ làm bấy nhiêu. Du khách sẽ không thể cầm lòng để thưởng thức những món ăn hấp dẫn như thịt lợn đen luộc (gồm thịt ba chỉ, mặt tai lưỡi lợn, chân giò, lòng lợn), thắng cố ngựa, thắng cố dê, thịt gà đen, thịt ngan, mèn mén, canh óc đậu, phở séng cù... Và không thể không thử một ngụm rượu Bắc Hà, thứ đồ uống dù chỉ một chút thôi cũng đủ làm người ngất ngây mà đỏ bừng hai má.

Không gian thổ cẩm ở chợ phiên Cốc Ly.
Không gian thổ cẩm ở chợ phiên Cốc Ly.

Chợ phiên Cốc Ly còn có nơi bày bán trâu, trở thành một chợ trâu thu nhỏ. Tại đây, hàng trăm con trâu lớn nhỏ được cư dân dắt đến để bán. Không gian này tập trung đông những người đàn ông trung tuổi vì chỉ có họ mới có khả năng xem và chọn trâu sao cho chuẩn. Những con trâu trưởng thành được buộc ở cột giữa chợ, người mua trâu ngắm nghía, chọn cho gia đình con trâu ưng ý.

Dừng chân ở chợ phiên Cốc Ly, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa cổ truyền độc đáo và phong phú, được chiêm ngưỡng một sắc màu Tây Bắc nơi cao nguyên trắng Bắc Hà.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.