Multimedia Đọc Báo in

Ngôi đình cổ độc đáo ở Tam Kỳ

06:14, 10/01/2021

Tọa lạc trên con đường Bạch Đằng nhộn nhịp ven sông Bàn Thạch ở thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), ngôi đình Mỹ Thạch có tuổi đời gần 200 năm đã chứng kiến bao sự đổi thay, thăng trầm của lịch sử vùng đất nơi đây...

Làng Mỹ Thạch xưa kia thuộc tổng Chiên Đàn, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam xưa (nay thuộc khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Làng có diện tích điền viên thổ trạch khá rộng, chia làm 14 xứ đồng bao gồm: Rừng Nho, Trà Nao, Bà Lai La, Tro Kiếu, Tro Vưng, La Ngá, Bí Thu, Đá Bạc, La Quay, Thông Dương, Bà Nà, Sanh Tắc, Cây Cầy, Gò Đá và được chia làm 5 xóm gồm: Mỹ Đông, Mỹ Tây, Mỹ Nam, Mỹ Bắc và Mỹ Trung. Theo các cụ cao niên thì làng được thành lập vào những năm đầu thế kỷ 18, các bản gia phả hay sắc phong đã bị thất lạc hết nên cũng không xác định được danh tính các bậc tiền hiền, hậu hiền cũng như tộc họ nào đến trước, chỉ biết rằng hiện nay tộc Nguyễn và tộc Huỳnh là hai tộc họ lớn ở làng.

Sau khi an cư lập nghiệp, lập thành làng xóm, cuộc sống dần dần đi vào ổn định, con cháu các họ tộc trong làng đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng một ngôi đình bề thế để thờ tự, tưởng nhớ và ghi ơn những bậc tiền nhân, những vị tiền bối đã có công khẩn hoang, khai phá lập nên vùng đất này. Ban đầu đình được tạo dựng tại xứ Tro Vưng, đến năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1833) đình được dời về xóm Mỹ Đông xứ Rừng Nho, nay là khối phố Mỹ Thạch Đông, phường Tân Thạnh. Mặt chính của đình nằm về hướng đông, lệch về hướng bắc nơi có dòng sông Bàn Thạch chảy qua. Sân đình xanh mát với cây đa cổ thụ, những hàng cây bạc hà, dương liễu hai bên bờ sông nên dân làng hay nghỉ ngơi ở đây mỗi khi ra đồng về, ghe thuyền đi qua cũng neo lại đây để tiện lên bờ trao đổi cá tôm. Cũng bởi vì lý do ấy mà dân làng cũng như những vùng lân cận hay gọi là Bến Đình, cái tên vẫn đi liền với đình Mỹ Thạch cho đến hôm nay.

Đình Mỹ Thạch.
Đình Mỹ Thạch.

Đình có kiến trúc hình chữ nhất với ba gian hai chái, các gian này được liên kết với nhau bằng khung sườn gỗ có tường gạch, đá ong liên kết vôi xi măng bao xung quanh, mái lớp ngói âm dương. Trước đây, khuôn viên ngôi đình rất rộng, cổng tam quan bao bọc ngôi đình và sát với bờ sông, từ cổng vào đình là bức bình phong được trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi, gắn sành sứ công phu hình thú tứ linh. Ban đầu, đình được xây dựng theo lối chữ đinh ba gian hai chái, gian giữa có phần hậu tẩm nhô ra phía sau. Bên trong đình là sáu hàng cột được làm bằng gỗ mít, đế các cột được kê trên đá tảng và các đầu cột liên kết bằng kèo kẻ chuyền với hai đầu được chạm hình con giao. Ở phần trên chính giữa điện thờ là bức hoành phi bằng chữ Hán ghi lại niên đại xây dựng ngôi đình “Minh Mạng thập tam niên, tam nguyệt kiến nhật tạo lập”- tức là ngôi đình được xây dựng vào ngày lành tháng tốt năm Minh Mạng thứ 13 (tức năm 1833).

Hằng năm, vào dịp cuối năm, đầu năm dân làng thường tổ chức cúng xóm ở đình làng Mỹ Thạch để tạ ơn những bậc tiền hiền, thành hoàng đã phù hộ cho một năm làm ăn phát đạt, xóm làng yên bình, đoàn kết và cầu xin cho một năm mới tốt đẹp hơn. Lễ hội chính ở đình Mỹ Thạch được tổ chức vào ngày 16 tháng 6 âm lịch hay còn gọi là lễ Kỳ Yên. Trong ngày lễ này, những văn bản ấn chỉ vua ban để thờ tự được đặt vào kiệu để cung nghinh đi khắp xóm. Chủ tế, phó tế mặc áo rộng màu xanh, các bậc cao niên mặc áo dài khăn đóng, thanh niên tham gia rước kiệu mặc áo tiều phu, đội nón dấu, người cầm cờ cầm lọng rất linh đình; ngoài ra, dân làng còn tổ chức ăn uống, ca hát để người làng có dịp vui chơi, giao lưu cùng nhau... Đình Mỹ Thạch đã được công nhận là Di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật cấp tỉnh vào tháng 8-1999.

An Trường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​