Multimedia Đọc Báo in

Nghề đan gùi của người M'nông ở Đắk Phơi

08:14, 29/04/2021

Chiếc gùi là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người M’nông. Trước đây, đồng bào M'nông ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk) đan gùi chủ yếu để đi nương rẫy, nhưng ngày nay khi hoạt động du lịch phát triển, chiếc gùi đã trở thành hàng hóa, giúp người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Từ khi còn nhỏ, già Do Khai (SN 1961) ở buôn Đung đã được theo cha vào rừng chặt lồ ô, học đan lát. Nghề đan lát theo ông đến bây giờ. Già Do Khai cho biết: "8 giờ sáng già bắt đầu vào rừng tìm lô ô, phải đi vào khu vực rừng sâu mới có cây lồ ô có đốt dài, ống dày (không quá già, cũng không quá non)… và tìm được những dây mây dai, bền nhất. Mỗi lần đi rừng chỉ chặt được lồ ô để đan 2 – 3 chiếc gùi, đan trong vòng một tuần lễ".

Già Do Khai ở buôn Đung (xã Đắk Phơi) tỉ mẫn đan gùi.
Già Do Khai ở buôn Đung (xã Đắk Phơi) tỉ mẫn đan gùi.
Ngoài đan lát phục vụ nhu cầu sinh hoạt, người M'nông ở xã Đắk Phơi còn đan các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, như: gùi có kích thước bé, nong, nia, túi xách… để làm quà lưu niệm. Mới đây, huyện Lắk vừa kêu gọi thành công hàng chục dự án đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch, đây sẽ là cơ hội để người M'nông ở xã Đắk Phơi có thêm thu nhập, sống được và gắn bó hơn với nghề đan gùi truyền thống.

Số lồ ô mang về được già Do Khai chặt thành từng khúc dài khoảng một sải tay, rồi dùng một chiếc dao nhỏ, nhọn sắc ở phần mũi để chẻ, chuốt nan thành từng sợi mỏng và tiến hành đan. “Công đoạn chẻ nan rất quan trọng, cần sự khéo léo, để sợi nan không quá mỏng cũng không được quá dày. Tôi chẻ nan đến đâu thì đan hết đến đó để sợi nan không bị quá khô, không bị gãy, thắt nút dễ dàng hơn…”, già Do Khai cho hay.

Già Do Khai thường đan hai loại gùi, một là “să kăt” kín từ đầu đến cuối gùi để gùi lúa, cà phê có kích thước lớn; còn “să prang” được đan hở ra vài nan ở giữa để bỏ vật dụng sinh hoạt, có kích thước nhỏ hơn. Sau khi đan xong, già Do Khai bện các dây mây lại với nhau làm quai đeo, rồi treo gùi hong khói bếp để gùi có màu sắc đẹp mắt, bền, dai hơn.

Hiện nay, nhiều người cùng tuổi với già Do Khai ở trong buôn đã không còn đan gùi nữa, nhưng già vẫn say mê với nghề, thường xuyên tìm tòi, học cách đan những hoa văn phức tạp, đẹp mắt để đan các vật dụng gia đình như rổ, rọ, nia... Mỗi khi đan lát xong, già Do Khai bỏ lên đạp xe chở đi khắp các buôn trong xã và sang xã lân cận Yang Tao, Đắk Liêng… để bán. "Tiếng lành đồn xa", nhiều người đã tìm đến mua các sản phẩm do chính tay già Do Khai làm với giá trung bình từ 170.000 – 200.000 đồng/chiếc gùi, tùy loại.

Phụ nữ M’nông vẫn sử dụng gùi đi nương rẫy.
Phụ nữ M’nông vẫn sử dụng gùi đi nương rẫy.

Là người trẻ tuổi mê đan gùi, anh Phơi Triếk (buôn Du Mah) luôn dành thời gian rảnh rỗi cần mẫn chuốt nan lồ ô mới chặt về để đan gùi. Anh Triếk trò chuyện: “Cha dạy cho tôi cách đan gùi từ lúc nhỏ, mỗi khi cần tôi đều đan để sử dụng. Khi đã thành thạo, tôi học cách đan những chiếc gùi có chi tiết hoa văn phức tạp hơn. Đến giờ những lúc nông nhàn, tôi cùng với người dân trong xã vào rừng tìm lồ ô về tranh thủ đan gùi cho gia đình sử dụng và phục vụ khách du lịch khi tới địa phương tham quan”.

Cuộc sống của người dân xã Đắk Phơi đã có nhiều thay đổi, nhà cửa khang trang hơn, mua sắm được nhiều nông cụ phục vụ sản xuất hiện đại thế nhưng thói quen sử dụng gùi, giỏ, nia… vẫn còn. Hiện tại xã Đắk Phơi vẫn còn nhiều người biết đan gùi song hầu hết đã cao tuổi, người trẻ biết và giữ nghề rất ít. Một phần vì đây là nghề thủ công truyền thống đòi hỏi tính kiên trì, sự khéo léo, sáng tạo; phần khác nghề đan gùi không mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì vậy, nghề đan lát đang bị mai một, là trăn trở của nhiều người dân địa phương nặng lòng với văn hóa truyền thống.

Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc