Ngôi đình cổ trên đất Cù Lao Giêng
Ngôi đình thần Tấn Mỹ hơn trăm tuổi nằm lọt thỏm trên đất Cù Lao Giêng xanh mướt với cây trái trĩu quả bốn mùa. Đình Tấn Mỹ tọa lạc tại đường Hương Lộ, ấp Tấn Thạnh, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Du khách qua cầu Mỹ Luông, đến ngã ba rẽ trái chừng 5 km là tới ngôi đình cổ kính này.
Đình thần Tấn Mỹ được khởi công xây dựng vào năm 1852 (thời vua Tự Đức năm thứ năm) trong khuôn viên rộng đến 9.000 m2. Ngôi đình này từng được sửa chữa vào năm 1950; đến năm 2014 được trùng tu lần hai với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, do các mạnh thường quân và nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp.
![]() |
Cổng tam quan đình Tấn Mỹ. |
Theo đó, đình thần Tấn Mỹ được phục dựng trên nền đất tôn cao khoảng hơn 1,5 m và lùi về phía sau 24 m so với vị trí của ngôi đình cũ. Toàn bộ ngôi đình được phục dựng theo nguyên bản gốc là lối kiến trúc chữ Tam. Trước cổng tam quan có thờ hai ông hổ uy nghiêm trong tư thế giữ đình; trên cổng là lưỡng long tranh châu khá tinh xảo, uyển chuyển. Trước chánh điện có nhiều tượng linh vật như: đôi rùa đội hạc, lân, sư tử, rồng… Ngôi chánh điện với nóc cổ lầu, mái nhị cấp; lợp ngói âm dương, diềm mái gắn đồng tiền dây lá, bộ nóc gắn lưỡng long tranh châu, tiên đồng ngọc nữ, ngọc hư cung, đầu đao, cá hóa long, kỳ lân, vòm mây uốn khúc... Chánh điện ở gian giữa sát vách hậu là ngôi thờ Thành hoàng bổn cảnh, phía trước có long sàng, long đình, ngai thờ đương kim Hoàng Đế, bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn vách hậu, gian hai bên là ngôi thờ tả ban - hữu ban; hai bên vách hông đối xứng nhau gồm tiền hiền - hậu hiền - nhạc bộ - lễ bộ. Trong đó, ngôi thờ Thành hoàng bổn cảnh được trình bày trang trọng nhất, khánh thờ với những hoa văn tinh xảo bằng hình ảnh rồng quấn trụ, dây lá.
Đình thần Tấn Mỹ được xem là một trong những ngôi đình có diện tích và khuôn viên rộng so với những ngôi đình thần ở Nam Bộ. Quanh khuôn viên đình có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát: cây sang, dương, phượng, me, đa… Đặc biệt đình có gốc me cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
![]() |
Trước chánh điện đình Tấn Mỹ. |
Trong kháng chiến, đình thần Tấn Mỹ còn là cơ sở hoạt động của cách mạng, là trụ sở Chi bộ đảng xã Tấn Mỹ, nơi tổ chức treo cờ Đảng trên cây dương trước cổng đình. Năm 1946, đình thần Tấn Mỹ trở thành trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến, nơi in ấn tài liệu, truyền đơn của Huyện ủy Chợ Mới, nơi các lực lượng cách mạng trú ẩn bàn bạc, tham gia trận đánh Cù lao Giêng. Đình thần Tấn Mỹ còn là địa điểm hội họp của các đoàn thể phụ nữ, chi hội thanh niên, nơi che giấu nhiều thanh niên trốn quân dịch…; từ đó đã cảm hóa được số đông thanh niên tham gia cách mạng, cùng sát cánh chống giặc cứu quốc.
Năm 2003, đình thần Tấn Mỹ được UBND tỉnh An Giang xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cách mạng. Lễ kỳ yên của đình được tổ chức 3 ngày, từ 19 đến 21-3 âm lịch thường niên. Trải qua hai lần sửa chữa và trùng tu, đình vẫn giữ dáng vẻ uy nghiêm, cổ kính. Từ lâu, đình thần Tấn Mỹ đã trở thành tâm linh của người dân địa phương và du khách gần xa.
Nguyễn Hoàng Duy