Muốn cho tre ra nhiều măng vào mùa khô
Bình thường các loài tre chỉ cho măng vào các tháng mùa mưa, trong đó nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm trùng với mùa bão lũ nên giá bán không cao, hiệu quả thu nhập thấp.
Trong những năm gần đây, nhiều giống măng tre nhập nội như Mạnh Tông, Điềm Trúc, Lục Trúc… được Khuyến nông các tỉnh khuyến cáo bà con trồng, vừa để “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, vừa để lấy măng làm thực phẩm như một loại rau sạch cao cấp. Các loại măng tre này đều có chất lượng tốt: ít xơ, ăn ngọt, giòn được nhiều người ưa chuộng nên bán rất được giá, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, vào các tháng mùa khô do ít mưa nên cây tre hầu như không đẻ măng. Muốn cho tre đẻ măng trong mùa khô thì sau khi kết thúc mùa mưa, để vườn khô tự nhiên trong khoảng nửa tháng không tưới và tiến hành chăm sóc theo các bước sau:
Chỉ giữ lại khoảng 3-4 cây khỏe mạnh phân đều về các phía làm cây mẹ nhằm cung cấp dinh dưỡng cho khóm đẻ măng, còn lại chặt bỏ hết những thân cây già, cây còi cọc trong khóm. Dùng kéo cắt tỉa hết các cành lá trên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m chiều cao. Dùng cuốc hoặc mai xới đất xung quanh gốc tre rồi bón thúc cho mỗi khóm tre 10 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục + 2kg phân urê + 1kg supe lân + 1kg kali clorua rồi lấp đất, tủ kỹ, tủ dày một lớp 20-30cm bằng lá cây, rơm rạ, cỏ rác và tưới thật đẫm nước. Có thể chặt thân cây chuối thành từng đoạn 50-60cm đem bổ đôi rồi xếp kín cả khóm tre vừa có tác dụng cung cấp thêm nguồn nước cho gốc tre, giúp các vi sinh vật có ích hoạt động cải tạo đất làm cho đất tơi xốp; đồng thời sau khi phân hủy, những thân cây chuối này sẽ cung cấp thêm nguồn hữu cơ rất tốt cho đất. Cứ cách 7-10 ngày tưới 1 lần, sau 3 lần tưới thì măng bắt đầu mọc, sau nửa tháng là có thể thu hoạch được.
Ngoài ra, nếu muốn cho tre nhanh ra măng hơn nữa, dùng xà beng bằng sắt hoặc các dùi gỗ nhọn có đường kính 3-4cm xuyên chéo sâu vào gốc tre khoảng 50-60cm vừa có tác dụng làm đứt bớt rễ gây ức chế cho tre mọc măng đồng thời tạo lỗ để tưới nước phân trực tiếp. Pha 2kg phân đạm urê + 1kg lân supe + 0,5kg phân kali trong 30 lít nước, tưới đầy vào các lỗ đã đục với lượng khoảng 10 lít/khóm.
Ý kiến bạn đọc