Multimedia Đọc Báo in

Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ sản xuất ở Tây Nguyên khi điều kiện thời tiết có nhiều biến động

09:38, 14/02/2011

Trong khi các khu vực thuộc Bắc bộ và Trung bộ nước ta đang phải tiếp tục đối mặt với những đợt giá rét thì ở khu vực Tây Nguyên, tình hình thời tiết thủy văn cũng đang diễn ra theo chiều hướng không thuận lợi đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Thông thường, vào tháng 2 hằng năm, thời tiết ở Tây Nguyên ở thời kỳ giữa mùa khô và có những biến động mạnh mẽ với kiểu thời tiết phổ biến là khô lạnh trong thời kỳ đầu, ấm dần lên và chuyển sang khô nóng ở thời kỳ cuối. Hướng gió thịnh hành trong tháng vẫn là gió đông – đông bắc. Vào những ngày giữa và cuối tháng, hướng gió này thường bị gián đoạn bởi sự xen kẽ của gió tây, tây nam. Cũng từ khoảng cuối tháng 2 sang đầu tháng 3, hoạt động biểu kiến của mặt trời dịch dần lên phía bắc, cường độ tác động của áp cao lạnh lục địa phía bắc yếu và biến tính dần, trong khi áp thấp nóng tây Ấn Miến xuất hiện, hoạt động mạnh dần, dịch sang phía đông ảnh hưởng mạnh mẽ tới thời tiết nước ta. Trong mùa khô hằng năm ở Tây Nguyên, thời gian tháng 2, tháng 3 là thời kỳ độ ẩm không khí hạ xuống mức thấp nhất. Riêng trong những ngày chịu sự chi phối của áp thấp nóng, gió chuyển hướng tây – tây nam và độ ẩm không khí có thể tăng nhanh kết hợp với nhiệt độ cao khiến cho tiết trời vào buổi trưa, chiều thường rất oi bức. Hệ quả của sau vài ba ngày oi bức là sự xuất hiện của những cơn dông nhiệt mang lại một lượng nước mưa nhất định cho vùng mà nó xuất hiện nhưng cũng thường kèm theo dông sét, mưa đá và có khi có lốc xoáy gây nhiều tác hại.

Năm nay, hoạt động mạnh mẽ của không khí lạnh với những đợt tăng cường liên tiếp đã làm đảo lộn hoàn toàn các kiểu thời tiết phổ biến của khu vực, với đặc trưng thời tiết phổ biến ở các nơi là khô, lạnh, gió đông, đông bắc thổi mạnh. Điều kiện thời tiết này mang nhiều yếu tố tiêu cực đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong khu vực. Gió mạnh và nhiệt độ hạ thấp có thể ảnh hưởng xấu tới quá trình ra hoa, làm quả của các loại cây trồng phổ biến như cà phê, lúa, ngô,...; sự chuyển biến chậm trong chế độ mùa của thời tiết sẽ kéo dài hơn bình thường thời kỳ khô nhất của mùa khô, làm chậm quá trình sinh trưởng theo chu kỳ tự nhiên của cây trồng, làm thay đổi cơ cấu mùa vụ dẫn đến giảm năng suất, sản lượng. Khô hanh kéo dài cũng làm cho nguy cơ cháy rừng ở mức nguy hiểm hơn, làm cho sông suối, ao hồ cạn kiệt trong khi nhu cầu dùng nước lại tăng nên mức chi phí cho sản xuất cũng phải tăng theo.

Mực nước sông, hồ ở Tây Nguyên đang xuống thấp. (Ảnh: T.L)
Mực nước sông, hồ ở Tây Nguyên đang xuống thấp. (Ảnh: T.L)

Theo phân tích của cơ quan Khí tượng Thủy văn, trong thời gian tới, cường độ hoạt động của các đợt không khí lạnh giảm dần nhưng sẽ còn tiếp tục chi phối đến tình hình thời tiết của nước ta. Ở khu vực Tây Nguyên, kiểu thời tiết phổ biến từ nay đến giữa tháng 3 vẫn là kiểu thời tiết của thời kỳ giữa mùa khô với đặc điểm tiết trời khô hanh, gió đông bắc thổi với cường độ trung bình đến mạnh; nhiệt độ không khí có xu thế tăng dần nhưng còn ở mức thấp. Các vùng núi đêm và sáng trời còn se lạnh, ngày trời mát; ở các vùng thấp, thung lũng ban ngày trời bắt đầu nắng nóng, đêm và sáng trời mát. Đối với nguồn nước, các số liệu quan trắc cho thấy trong suốt thời kỳ đầu và giữa mùa khô vừa qua, lượng nước tự nhiên ở các sông suối ao hồ là tương đối thấp, phổ biến đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm, gây ra những khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Đến đầu tháng 2, hầu hết các vùng thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên đã có trên 2 tháng liên tục không có mưa nên lượng nước mặt, nước ngầm đều giảm nhanh. Nguồn nước được dự báo là sẽ khan hiếm hơn trong thời gian tới.

Tây Nguyên đã bước sang thời kỳ cao điểm của mùa khô với những diễn biến không thuận lợi của tình hình thời tiết thủy văn. Vậy nên, chính quyền và nhân dân các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp hạn chế tác động tiêu cực của điều kiện thời tiết thủy văn để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ mùa màng, thực hiện thắng lợi vụ sản xuất đông xuân 2010-2011.

Nguyễn Văn Huy

 


Ý kiến bạn đọc