Multimedia Đọc Báo in

Sự thật về thuốc trị tai xanh "ngoài luồng"

16:56, 29/06/2012

Ngay khi  tỉnh Đồng Nai bùng phát dịch tai xanh, lập tức tại các huyện chăn nuôi trọng điểm như Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán xuất hiện một đội quân lạ, đến tận các chuồng trại rao bán, thử nghiệm vắc-xin tai xanh với lời quảng bá: “trị bệnh tận gốc”. Sự thật về loại thuốc này như thế nào?

Trong đợt phát dịch tai xanh đầu tháng 6-2012, tỉnh Đồng Nai rộ lên chuyện đội quân lạ đến các chuồng trại chăn nuôi heo rao bán, thử nghiệm vắc-xin trị tai xanh mới được quảng bá rất hiệu quả. Nhiều hộ dân do lo ngại toàn bộ tài sản của mình bay theo dịch tai xanh đã cả tin mua, sử dụng tiêm cho đàn heo, trong đó chủ yếu là sản phẩm mang tên Porxilis PRRS. Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan thú y vùng VI cho biết: sản phẩm Porxilis PRRS là của một công ty Hà Lan có chi nhánh đóng tại Việt Nam. Ngày 21-4-2011, công ty này có xin phép nhập vắc-xin Porxilis PRRS về Việt Nam thử nghiệm và được Bộ NN-PTNT chấp nhận. Sau đó, Cục Thú y cho phép nhập một ít để thử nghiệm, đánh giá kết quả bảo hộ trước khi cho phép nhập về Việt Nam để kinh doanh. Tuy nhiên, thay vì phải thông qua Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương để khảo nghiệm theo đúng quy trình mà Bộ NN-PTNT đề ra, thì công ty này lại tự ý đưa xuống vùng có các hộ chăn nuôi một cách trái phép. Đặc biệt, theo kết quả kiểm tra của Cơ quan thú y vùng VI, loại vắc-xin Porxilis PRRS Hà Lan thuộc chủng châu Âu. Điều đó có nghĩa, vắc-xin này không phù hợp (tỷ lệ bảo hộ thấp) với vi-rút tai xanh đang bùng phát tại Việt Nam thuộc chủng Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Vacxin nhược độc JXA1-R mới có tác dụng phòng chống dịch tai xanh ở Việt Nam hiệu quả
Vacxin nhược độc JXA1-R mới có tác dụng hiệu quả trong phòng chống dịch tai xanh ở Việt Nam

Được biết, hiện trên thị trường đang có tới trên 20 loại vắc-xin tai xanh của nhiều quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore, Trung Quốc, Hà Lan… Tuy nhiên, theo kết quả tiêm 40.000 liều vắc-xin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc (loại vắc-xin dự trữ quốc gia) vào vùng dịch huyện Vĩnh Cửu cho thấy: hơn 2 tuần nay dịch đã yên ổn, không phát tán rộng hơn. Vì thế, người chăn nuôi cần phải được định hướng rõ ràng về loại vắc-xin tiêm hiệu quả nhất, tránh tình trạng tiêm vắc-xin bừa bãi gây lãng phí và hiệu quả chống dịch thấp.
 

T.N (nguồn nongnghiep.vn)
 


Ý kiến bạn đọc