Multimedia Đọc Báo in

Hội Cựu chiến binh xã Hòa Khánh: Giúp nhau cùng vượt khó

09:05, 19/05/2013

Không chỉ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) còn chú trọng kết nối để hội viên đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Điểm nổi bật trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế của CCB xã Hòa Khánh là việc xây dựng và nhân rộng mô hình 2+1, 3+1, tức là 2 hoặc 3 hội viên khá nhận giúp đỡ 1 hội viên khó khăn về vốn, cây, con giống cho đến khi thoát nghèo. Cách làm này không chỉ khơi dậy được nội lực mà cả trách nhiệm, sự nhiệt tình của cán bộ, hội viên CCB đúng với tinh thần người lính Cụ Hồ. Thông qua việc triển khai phong trào này đã có nhiều CCB được giúp thoát nghèo bền vững. Trường hợp ông Nguyễn Văn Quang (thôn 14) là một ví dụ. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, năm 1987 gia đình ông chuyển vào lập nghiệp tại Dak Lak và mua được 7 sào đất trồng hoa màu. Không có vốn đầu tư, việc sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập cũng chỉ đủ cho gia đình trang trải sinh hoạt thường ngày. Để cải thiện cuộc sống, vợ chồng ông bàn tính việc chăn nuôi thêm heo nhưng do thiếu vốn nên dự định đó mãi chưa thực hiện được. Năm 2010, ông được Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Tấn Chính cho mượn 10 triệu đồng không tính lãi, cộng thêm vốn vay của anh em dòng họ để đầu tư phát triển chăn nuôi heo. Sau nhiều năm, ông đã mở rộng quy mô chăn nuôi theo phương thức khép kín với 4 heo nái, 50 - 100 heo thịt. Từ nguồn lợi chăn nuôi, ông đầu tư mua thêm đất trồng cà phê, tiêu, cây cảnh, đến nay đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo và hoàn trả số vốn vay. “Sự động viên, hỗ trợ thiết thực của tổ chức Hội CCB là động lực giúp gia đình tôi vươn lên. Vì vậy, khi có điều kiện hơn, tôi sẵn sàng giúp cây, con giống cho những hội viên còn khó khăn để anh em phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống”, ông Quang chia sẻ.

Từ sự nỗ lực, tiên phong của Chủ tịch Hội CCB xã trong thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, nhiều hội viên CCB khá như: Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Văn Phục, Đậu Minh Hương, Đặng Hữu Thược… đã giúp một số hội viên nghèo vay từ 15 đến 40 triệu đồng không tính lãi để mua ruộng trồng lúa, chăn nuôi thỏ, cá, xây dựng nhà ở… Không chỉ giúp hội viên nghèo có địa chỉ, Hội CCB xã còn vận động mỗi hội viên đóng góp 50.000 đồng xây dựng quỹ nội bộ dành cho các hội viên khó khăn vay phát triển sản xuất. Đồng thời, Hội cũng tích cực tìm kiếm thêm nhiều nguồn vốn khác như vốn vay hỗ trợ việc làm, vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội… Các nguồn vốn đó đã tạo thêm 36 việc làm mới và 52 việc làm thêm cho hội viên CCB.

Cán bộ, hội viên CCB xã Hòa Khánh đến tham quan trang trại chăn nuôi  của gia đình ông Nguyễn Văn Quang (đầu tiên từ trái sang).
Cán bộ, hội viên CCB xã Hòa Khánh đến tham quan trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Quang (đầu tiên từ trái sang).

Phong trào giúp nhau trong phát triển kinh tế của CCB xã Hòa Khánh không chỉ là vốn mà còn cả ngày công lao động, việc làm cho hội viên, con em CCB. Theo Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Tấn Chính, để hội viên thoát nghèo bền vững thì giúp “con cá” thôi chưa đủ mà cần hỗ trợ để anh em có chiếc “cần câu”. Chính vì thế, ngoài việc giúp vốn, Hội chủ động trong công tác phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với nguồn lực của từng gia đình và nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp tư nhân Chính Nhi mỗi năm tạo việc làm cho 15 lao động là con em CCB với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng; Nhà máy sản xuất bao bì PVC của Doanh nghiệp tư nhân Mai Thành đã giải quyết việc làm ổn định cho 60 lao động… Từ những hoạt động giúp đỡ thiết thực trên và sự nỗ lực của các hội viên, trong 5 năm qua (2007-2012) đã có 7 gia đình CCB vươn lên thoát nghèo.

Kinh tế của các hộ dân trên địa bàn xã Hòa Khánh nói chung, hộ CCB nói riêng phát triển, đời sống dân sinh cải thiện càng tạo thêm điều kiện để CCB tham gia tích cực, có hiệu quả các chương trình xã hội của địa phương như: xây dựng nông thôn mới, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ an ninh Tổ quốc, đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học… Những việc làm đó ngày càng góp phần tô thắm thêm truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường hôm nay.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.