Đất chua và biện pháp cải tạo
Qua theo dõi chỉ tiêu pH trên đất trồng cà phê, tiêu tại một số xã của huyện Krông Pak trong 3 năm từ 2010-2012, chúng tôi nhận thấy chỉ số pH trung bình từ 4,0-4,5 (cao nhất ở xã Ea Knuêch: 5,3 và thấp nhất ở xã Hòa An: 4,4 trong thời điểm năm 2011). Qua các chỉ số pH đất tại một số xã cho thấy pH tương đối thấp. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu pH đất dưới 4,5 cây sẽ khó khăn trong việc hút đạm; cây hút đạm tốt nhất khi pH nằm trong khoảng 5,5 - 8,0. Đối với lân cũng vậy, khi chỉ số pH đất xuống 4,0 - 4,5 thì cây sẽ hút được rất ít, hoặc lân chuyển sang dạng khó tiêu cây không thể hấp thụ được mặc dù có bón đầy đủ lượng lân; cây hút lân tốt nhất khi pH nằm trong khoảng 6,3-7,5. Đối với kali thì khả năng hấp thu tốt hơn trong khoảng biến thiên pH từ 5,5 trở lên. Tuy nhiên, để cây hấp thu được kali tốt thì cũng cần phải nâng pH lên mức 5,5 - 6,0. Qua đây, chúng ta cũng dễ nhận thấy chỉ số pH đất liên quan đến khả năng hấp thu dinh dưỡng trong đất của cây, đồng thời cũng nói lên sự chua hóa của đất qua quá trình canh tác lâu dài trong điều kiện thâm canh cao độ nhưng thiếu bền vững. Mặt khác, pH đất có liên quan chặt chẽ đến các chất hữu cơ trong đất. Nếu hàm lượng hữu cơ cao thì pH cũng cao và ngược lại. Vì vậy, để nâng cao độ pH trong đất ngoài việc bón vôi, chúng ta cũng cần phải bón phân hữu cơ thường xuyên cho đất bằng cách trả lại các tàn dư sau khi thu hoạch như: cành, lá, rơm rạ, bón phân hữu cơ vi sinh… hay nói một cách khác đó là lấy từ đất bao nhiêu thì phải trả lại bấy nhiêu cho cân đối đầu vào và đầu ra thì đất sẽ không bị thoái hóa hay giảm độ phì. Ở các nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Israel… người ta rất quan tâm đến vấn đề này, trong khi đó ở Việt Nam do canh tác với diện tích nhỏ lẻ, manh mún, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa phổ biến nên việc bón phân hữu cơ cho đất vẫn chưa được nông dân quan tâm đúng mức, ví dụ như gặt lúa xong người ta thường hay đốt rơm cho sạch; cành, lá cà phê sau khi tạo hình xong nhiều người cũng đem ra đốt hoặc đem về nhà làm củi đun. Cách làm này không phù hợp với canh tác bền vững.
Qua theo dõi chỉ tiêu pH đất trên một số vườn tiêu, cà phê cũng cho thấy đa số pH đất ở mức 4,0 - 5,5; thậm chí một số vườn chỉ số pH dưới 4,0. Với chỉ số pH đất như vậy thuận lợi cho các loại nấm hại phát triển như: Fusarium, Phytophthora… đồng thời hạn chế sự phát triển của bộ rễ, khả năng hấp thụ phân bón và một số nguyên tố chuyển từ dễ tiêu sang thành khó tiêu (yếu tố lân, kali). Điều này cũng giải thích tại sao ở một số vườn cây bị bệnh chết nhanh và chết chậm trên cây tiêu thì thường đo được chỉ số pH thấp dưới mức trung bình. Ngoài ra, hàm lượng mùn của đa số các vườn đều thấp dưới 3%, đây là mức trung bình cho phép, đặc biệt có những vườn hàm lượng mùn thấp dưới 1% đồng nghĩa với việc giảm độ phì do hàm lượng hữu cơ thấp không được cung cấp kịp thời. Nguyên nhân khác gây ra hiện tượng chua đất là do thường xuyên bón phân hóa học hoặc bón với lượng quá cao trong một lần bón đã ảnh hưởng đến tính chất vật lý và hóa học của đất. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng chua đất đang xảy ra, chúng ta cần phải có các biện pháp cải tạo kịp thời như bón vôi, bón phân hữu cơ hoặc trả lại cho đất các tàn dư thực vật sau khi thu hoạch, không nên đốt các tàn dư thực vật mà phải cày vùi hoặc ủ để bón lại cho đất. Đồng thời với các biện pháp trên chúng ta phải hạn chế bón phân hóa học hoặc bón ít để giảm đến mức thấp nhất tình trạng chua đất.
Trương Văn Cao
(Trạm BVTV huyện Krông Pak)
Ý kiến bạn đọc