Multimedia Đọc Báo in

Những điều nông dân cần biết khi chăm sóc cây ca cao trong mùa mưa

08:39, 21/05/2014

Trong vài năm gần đây, nông dân Dak Lak bắt đầu “bén duyên” với cây ca cao và coi đây là một trong những cây trồng chính. Tuy nhiên, do cây trồng này còn khá mới nên nhiều nông dân chưa nắm bắt hết kỹ thuật chăm sóc, dẫn đến vườn cây hay bị sâu bệnh, nhất là trong mùa mưa.

Theo anh Nguyễn Bá Dũng, cán bộ tư vấn kỹ thuật cho Dự án Hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam, cây ca cao ưa ánh sáng tán xạ nên thích hợp với việc trồng xen hoặc phải che chắn. Nếu không che thì cây con không thể phát triển được, các lá non đều bị cháy, nhưng nếu che kỹ quá thì cây sẽ phát triển kém, nhất là về mùa mưa, cành lá phát triển nhiều, vườn cây không thông thoáng, rất dễ bị bệnh thối trái, loét thân do nấm phytopthora và bọ xít muỗi gây nên. Đặc biệt, thối trái là bệnh phổ biến và là nỗi sợ nhất của nhà vườn vào mùa mưa, bởi bệnh này do nấm gây ra, có thể gây thất thu từ 20-30% sản lượng cả năm. Muốn hạn chế bệnh, điều đầu tiên là phải tỉa cành tạo tán sao cho có ánh nắng trực tiếp đến các cành mang trái, nhất là vào mùa mưa, nông dân cần phải tỉa cành thường xuyên đối với những cành vô hiệu và cành nhánh cây che bóng. Vườn rậm rạp, không thông thoáng cũng là yếu tố giúp bọ xít muỗi phát triển, chích hút nhựa làm cho đọt, quả bị dị dạng, ít hạt, hoa không phát triển thành trái. Vết thương do bọ xít muỗi chích hút cũng tạo đường cho nấm xâm nhập. Ngoài ra, sâu hồng, bọ cánh cứng hại lá cũng tấn công mạnh ca cao vào mùa mưa, nhất là những vườn không thông thoáng.
Cán bộ tư vấn kỹ thuật đang hướng dẫn nông dân ở huyện Ea Kar cách phòng chống sâu bệnh hại cho vườn ca cao vào mùa mưa.
Cán bộ tư vấn kỹ thuật đang hướng dẫn nông dân ở huyện Ea Kar cách phòng chống sâu bệnh hại cho vườn ca cao vào mùa mưa.

Để phòng bệnh cho cây vào mùa mưa, nông dân cần lưu ý: đối với bệnh thối trái, trước hết phải chọn giống kháng bệnh (trong vườn hạn chế trồng giống TD5, TD14, vì hai giống này rất dễ nhiễm bệnh). Hái bỏ ngay tất cả những trái nhiễm bệnh khi thấy những vết đen nhỏ, đồng thời đưa những trái bị bệnh và vỏ sau khi tách hạt ra xa khỏi vườn hoặc đem chôn, đốt hay xử lý bằng thuốc diệt nấm. Ngoài ra, cần giảm độ ẩm cho vườn bằng cách tỉa bớt cành ca cao và cây che bóng cho vườn thông thoáng, dọn cỏ dại, thoát nước, lấp các vũng nước trong vườn, phun thuốc trị nấm (Eddy, Đồng đỏ, Ridomil gold, Aliette…) để phòng bệnh trước những ngày mưa kéo dài. Đối với bệnh trên thân, bà con cần cào lá ra để trống gốc cây nhằm giảm độ ẩm khu vực gốc. Khi thấy vết bệnh dùng dao cạo lớp mỏng vỏ ngoài để lộ hết vết bệnh, dùng thuốc bôi lên vết bệnh (Eddy, Đồng đỏ, Ridomil gold, Aliette…). Cây hoặc cành chết cần đưa ra khỏi vườn và đốt bỏ. Đối với Bọ xít muỗi, ngoài vệ sinh vườn cây, cho thông thoáng nên dùng thiên địch để phòng trị như: kiến đen, kiến vàng cũng hạn chế được bọ xít muỗi. Khi thấy bọ xít muỗi xuất hiện với mật độ cao và gây hại với mức độ nặng, có thể dùng các loại thuốc sau để phun: Cymerin 25 EC 0,3%, Confidor, Karete, Motox phun cho toàn vườn cây. Phun 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 10-12 ngày.

Mặc dù, ca cao là cây mới được trồng gần đây, nhưng người trồng đang được rất nhiều đơn vị, tổ chức hỗ trợ về kỹ thuật như: Công ty thu mua ca cao Cargill, Dự án phát triển ca cao tại các nông hộ, tổ chức chứng nhận UTZ…, đây là thuận lợi rất lớn giúp bà con nắm bắt được các quy trình kỹ thuật chăm sóc ca cao từ khâu trồng đến sơ chế sau thu hoạch. Người trồng ca cao nên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật tổ chức tại địa phương để học cách nhận biết các loại sâu bệnh hại, tỉa cành tạo hình và tự đưa ra quy trình chăm sóc riêng phù hợp cho vườn cây của mình.

 Nguyễn Vũ


Ý kiến bạn đọc