Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu lao động đã thực sự tương xứng với tiềm năng?

08:54, 07/04/2015

Những năm gần đây, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động bởi đây được xem là một “kênh” giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần đắc lực cho công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực lao động dồi dào của tỉnh.

“Kênh” giải quyết việc làm hiệu quả

Đưa chúng tôi đi thăm vườn cà phê mới được trồng lại gần 1 năm, chị H’Điết BKrông ở buôn Ea H’Luk (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) không giấu được vui mừng: “Tất cả là nhờ tiền của 2 đứa con đi xuất khẩu lao động ở Malaysia gửi về nếu không thì 2 sào cà phê già cỗi này không biết đến bao giờ mới trồng lại được”. Gia đình chị H’Điết là hộ nghèo của buôn, chồng đã bỏ đi hơn 10 năm nay để lại cho chị 6 đứa con nhỏ. Tài sản không có gì ngoài 2 sào cà phê già cỗi, 1 sào đất trồng lúa, chị phải làm thuê khắp nơi để lo cái ăn cho các con. Năm 2013, khi được Ban tự quản buôn phổ biến chủ trương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, H’Uôl BKrông – con gái thứ 2 của chị đã mạnh dạn đăng ký. Sau khi được tư vấn, đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng những kiến thức cần thiết, gia đình chị đã được vay 23 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm các thủ tục. Tháng 11-2013, H’Uôl chính thức đi xuất khẩu lao động ở Malaysia và đến nay đã gửi về cho gia đình hơn 60 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động, H’Nhênh BKrông – em của H’Uôl cũng đăng ký tham gia và đã đi làm việc ở Malaysia từ tháng 9-2014. “H’Nhênh mới đi thôi mà cũng đã gửi về nhà được 25 triệu đồng. Số tiền này mình dùng để trả bớt nợ cho ngân hàng và đầu tư trồng lúa, chăm sóc cà phê. Hy vọng sau 3 năm làm việc ở nước ngoài, các con mình cũng tích cóp được một số vốn để về quê hương làm ăn, sinh sống, không còn lo thất nghiệp vì ít ruộng, rẫy nữa”, chị H’Điết cho hay.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn công tác xuất khẩu lao động cho người lao động.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn công tác xuất khẩu lao động cho người lao động.

Không chỉ có chị em H’Uôl mà hai chị em H’Lối Ênuôl và H’Mai Ênuôl ở buôn Ea H’Luk cũng đã đi làm việc ở Malaysia từ tháng 8 và tháng 9-2014. Anh Y Tư Hđơk – bố của H’Lối cho biết: “Thấy trong buôn có người đã đi xuất khẩu lao động nên gia đình mới mạnh dạn cho 2 con đi. Lâu nay mình vẫn nghĩ đi làm việc ở nước ngoài hết sức khó khăn vì không biết tiếng của họ, gia đình lại không đủ tiền để trang trải các chi phí dịch vụ môi giới. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn, giới thiệu thì thấy việc tham gia xuất khẩu lao động cũng không khó lắm”. Gia đình anh Y Tư đã được ngân hàng cho vay tổng cộng 43 triệu đồng làm chi phí xuất cảnh cho 2 con, sau khi qua Malaysia, H’Lối và H’Mai được đào tạo nghề theo hình thức vừa học vừa làm nên cũng nhanh chóng bắt nhịp với công việc và đến nay đã gửi về cho gia đình khoảng 40 triệu đồng.

Chị H’Điết Bkrông ở Buôn Ea H’Luk (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) trao đổi về việc phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn do 2 con đi xuất khẩu lao động gửi về.
Chị H’Điết Bkrông ở Buôn Ea H’Luk (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) trao đổi về việc phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn do 2 con đi xuất khẩu lao động gửi về.

Ông Y Gua Byă, Phó buôn Ea H’Luk cho biết: “Đến cuối năm 2014, trong buôn đã có 6 trường hợp đi làm việc ở thị trường Malaysia. Thực tế cho thấy, đi làm việc ở nước ngoài đã giúp người lao động giải quyết được việc làm, có nguồn thu nhập ổn định gửi về cho gia đình cải thiện cuộc sống. Sắp tới Ban tự quản và các đoàn thể tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tham gia xuất khẩu lao động”. Qua tìm hiểu được biết, 6/7 buôn của xã Ea Tiêu đã có người đi xuất khẩu lao động, góp phần đáng kể vào công tác giải quyết việc làm và phát triển kinh tế ở địa phương.

Tìm hướng đi cho công tác xuất khẩu lao động

Sau một thời gian dài thăng trầm, từ năm 2012 đến nay, công tác xuất khẩu lao động của tỉnh đã có nhiều tín hiệu vui. Trong 3 năm (2012-2014), toàn tỉnh đã đưa được 2.053 người đi làm việc ở các thị trường Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Du Bai… trong đó có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, anh Nguyễn Chiến Thắng, Phó phòng Lao động – Tiền lương – Việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) thừa nhận, mặc dù hoạt động xuất khẩu lao động những năm gần đây đã có sự khởi sắc nhưng số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn ít, chưa tương xứng với lực lượng lao động của tỉnh. Nguyên nhân là do người lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động, nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu của người vay. Tâm lý của một bộ phận người lao động vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… trong khi đó lại chưa đáp ứng được những yêu cầu về tay nghề chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc. Khó khăn về chi phí ban đầu trong khi nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội có những khó khăn nhất định của người lao động thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có những khó khăn nhất định cũng là “rào cản” của công tác xuất khẩu lao động.

Ông Y Gua Byă (bên phải), Trưởng buôn Ea H’Luk (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) thăm hỏi gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động.
Ông Y Gua Byă (bên phải), Trưởng buôn Ea H’Luk (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) thăm hỏi gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động.

Trao đổi về các giải pháp “gỡ khó” cho hoạt động xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết:  “Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Liên kết, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín xuống địa phương để tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, tổ chức hội thảo, hội nghị để tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu lao động, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với những người đã đi xuất khẩu lao động trở về; thường xuyên tiến hành các cuộc khảo sát, kiểm tra, giám sát tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp, tránh tình trạng lừa đảo trong hoạt động này. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh – đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác tư vấn xuất khẩu lao động, giới thiệu người có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề vốn vay, tháng 3-2015, Sở đã có Tờ trình số 40/TTr-SLĐTBXH gửi UBND tỉnh đề nghị phân bổ 7 tỷ đồng theo dự toán ngân sách đã được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 13-12-2014 để bổ sung vào Quỹ Xóa đói giảm nghèo cho vay xuất khẩu lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội”. Hy vọng, với những giải pháp đồng bộ kể trên, tỉnh sẽ phát huy được tiềm năng trong công tác xuất khẩu lao động, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc