Multimedia Đọc Báo in

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động

09:03, 28/03/2015

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 với nhiều quy định mới, mở rộng hơn quyền lợi cho người lao động, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng cho các đối tượng tham gia. Dưới đây là chia sẻ của bà NGUYỄN THỊ XUÂN, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh với Báo Dak Lak về một số nét mới của Luật BHXH sửa đổi.

°Thưa bà, Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới như mở rộng hơn đối tượng tham gia cũng như nâng cao chất lượng chính sách bảo hiểm xã hội. Bà có đánh giá như thế nào về tác động của Luật trong việc bảo đảm an sinh xã hội?

Việc sửa đổi Luật BHXH lần này đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội của nước ta, tiếp tục hoàn thiện hệ thống BHXH, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện các chế độ chính sách BHXH, bảo đảm sự công bằng trong tham gia và thụ hưởng BHXH, tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và bảo đảm khả năng cân đối quỹ BHXH. Đồng thời, Luật cũng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BXHX như Nghị quyết số 21 ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đề ra.

° Bà có thể khái quát một số thay đổi nổi bật của Luật BHXH sửa đổi lần này?

Điểm mới mang tính đột phá của Luật sửa đổi lần này là mở rộng đối tượng tham gia là người lao động có hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc, cán bộ không chuyên trách cấp xã, không giới hạn trần tuổi đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, người lao động được quyền quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH. Đây là cơ sở quan trọng để người lao động giám sát trách nhiệm của người sử dụng lao động (quy định hiện hành giao sổ BHXH của người lao động cho người sử dụng lao động quản lý).

Đối với chế độ, chính sách BHXH, nhìn chung các thay đổi đều hướng đến tính nhân văn, nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Những thay đổi lớn chủ yếu là chế độ thai sản và hưu trí. Riêng với chế độ thai sản, lần đầu tiên trong chính sách BHXH Việt Nam quy định nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con và cũng lần đầu tiên Luật quy định về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. Ngoài ra, chế độ tử tuất cũng được sửa đổi tạo sự công bằng hơn trong thụ hưởng và mức hưởng cũng tăng từ 1,5 - 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng cho mỗi năm tham gia BHXH.

° Hiện nay, người lao động rất quan tâm đến cách tính lương hưu cũng như tuổi hưởng lương hưu mới được quy định trong Luật BHXH sửa đổi. Xin bà nói rõ hơn về vấn đề này?

Có thể nói, các nội dung sửa đổi về chế độ hưu trí hướng đến việc bảo đảm nguyên tắc đóng  - hưởng, công bằng xã hội và cải thiện một bước tình hình tài chính quỹ hưu trí, tử tuất, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người nghỉ hưu có mức thu nhập cao hơn. Cụ thể, cách tính lương hưu mở rộng điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã, phường có đủ từ 15 đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ 55 tuổi thì được nghỉ hưu; tăng dần tuổi hưởng lương hưu đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và tăng dần thời gian đóng BHXH của người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì mới đạt mức lương hưu tối đa 75%. Bên cạnh đó, để hạn chế việc nghỉ hưu trước tuổi, Luật đã tăng tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi lên 2%. Đồng thời, sửa đổi điều kiện hưởng BHXH một lần nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài...

° Một điểm mới nữa là Luật BHXH sửa đổi năm 2014 giao quyền thanh tra về đóng BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH. Điều này có khắc phục được tình trạng trốn đóng và nợ đóng BHXH không, thưa bà?

Ngoài việc được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, cơ quan BHXH còn được quyền yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình hồ sơ liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; quyền được cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cung cấp một số thông tin của tổ chức, cá nhân... Đây là những nội dung rất quan trọng để chúng tôi nắm bắt được số lượng đơn vị sử dụng lao động, số lượng lao động cũng như biến động về lao động, tiền lương, tiền công làm cơ sở để tổ chức thu BHXH, giải quyết các chế độ BHXH của người lao động. Cùng với đó, Luật còn quy định thẩm quyền xử phạt của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH cấp tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành... rõ ràng, cụ thể. Tôi nghĩ rằng, những công cụ hữu hiệu này sẽ giúp chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.

° Trên thực tế, để Luật BHXH sửa đổi đi vào cuộc sống, theo bà cần có cách làm nào như thế nào nhằm đạt được hiệu quả?

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy tổ chức quán triệt nội dung Luật đến cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức của ngành nắm vững những quy định mới trong Luật sửa đổi trước khi Luật BHXH có hiệu lực vào ngày 1-1-2016 tới đây. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị như Liên đoàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng HĐND tỉnh, các đơn vị truyền thông trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, trong đó tập trung tuyên truyền hướng về cơ sở  để người dân hiểu được sự thiết thực, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc tham gia BHXH.

°Xin cảm ơn bà!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc