Multimedia Đọc Báo in

Ảnh hưởng của bão tới sự hình thành mưa, lũ ở Tây Nguyên

10:00, 24/08/2010

Bão là một vùng gió xoáy có bán kính từ vài trăm đến bảy, tám trăm km, với sức gió mạnh nhất ở vùng gần trung tâm đạt từ cấp 7 (khoảng 50-60 km/giờ) trở lên. Trong bão, gió mạnh nhất ở khu vực xung quanh tâm và giảm dần  ra ngoài. Riêng ở ngay tâm bão (thường gọi là mắt bão), tốc độ gió chỉ đạt từ 3-4 m/s, thậm chí đôi khi hoàn toàn lặng gió. Đường kính của tâm bão rất khác nhau, thường là từ 15-30 km nhưng cũng có khi lên đến 50-90 km. Ở tâm bão, áp suất không khí hạ xuống khá thấp, đa số các cơn bão có trị số khí áp ở vùng trung tâm là 965-995 miliba (mb). Gió từ rìa bão thổi vào vùng trung tâm dồn không khí đẩy hơi nước bốc lên cao, hình thành những khối mây lớn dầy đặc phát triển đến độ cao 7-8 km, có khi 10-12 km. Trên cao gió lại thổi từ vùng tâm bão ra ngoài tạo thành những lớp mây khác nhau, càng  ra xa vùng trung tâm bão mây càng mỏng dần và mang những hình dáng, màu sắc đặc biệt mà qua đó ngư dân trên biển có kinh nghiệm có thể nhận biết được có bão đang hoạt động. Ở chính ngay tâm bão, lại có luồng không khí đi xuống làm cho mây giảm hoặc tan đi nên ở đó gió lặng và trời quang mây. Qua ảnh mây chụp từ vệ tinh khí tượng có thể thấy vùng mây của bão mang màu vỏ trứng với những dải mây xoắn vào trung tâm, còn mắt bão là một chấm đen không mây.

Bão hình thành từ các vùng biển và đại dương nhiệt đới có nhiệt độ nước biển vào khoảng 26-27oC, và thường xuất hiện ở các vùng giao giới của các đới khác nhau hoặc trong điều kiện thuận lợi khác của khí quyển. Nguồn năng lượng tạo điều kiện cho bão hình thành, phát triển và tồn tại là nguồn nhiệt và hơi nước ẩm ướt của đại dương. Tốc độ di chuyển trung bình của bão trên biển vào khoảng 15-18 km/giờ. Khi  đổ bộ vào đất liền, nguồn năng lượng nhiệt ẩm bị giảm đi, gió bão gặp điều kiện địa hình đồi núi mấp mô cản trở sẽ yếu dần nên bão thường suy yếu và tan ở đất liền nơi cách bờ biển khoảng 300-400 km. Cũng có khi ngay trên biển bão gặp các đợt gió mùa Đông Bắc mạnh mang không khí lạnh và khô tràn vào khu vực trung tâm nên nhanh chóng đầy lên và tan đi.

Cây xanh bị gãy đổ do mưa bão (Ảnh minh họa)
Cây xanh bị gãy đổ do mưa bão (Ảnh minh họa)

Hằng năm, vào mùa bão ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta cũng là mùa lũ chính trên các sông, suối ở Tây Nguyên. Sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của bão đã tạo ra nhiều trận mưa lũ lớn, có khi kèm theo các hiện tượng nguy hiểm khác như lũ quét, sạt lở đất gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của cải vật chất, ảnh hưởng xấu, lâu dài tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và môi trường sinh thái của khu vực. Theo thống kê, từ năm 1961 đến năm 2009, có khoảng 60 cơn bão đổ bộ vào các vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam trung bộ có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến diễn biến thời tiết ở Tây Nguyên. Những cơn bão này khi vào địa phận Tây Nguyên dù đã suy yếu thành áp thấp hoặc chỉ còn là một vùng thấp nhưng vẫn cho mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa lớn nhất do ảnh hưởng của một trận bão ở các vùng khác nhau của Tây Nguyên có thể đạt từ 150-500 mm; trong đó lượng mưa ngày lớn nhất có thể đạt từ 100 đến trên 200 mm. Mưa lớn trong điều kiện núi và cao nguyên xen kẽ với các thung lũng dẫn đến tình trạng xói mòn đất, sinh ra những trận lũ lớn trên các sông, suối gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi, có khi xảy ra lũ quét và sạt lở đất.  Mưa do ảnh hưởng của bão ở Tây Nguyên thường xuất hiện từ 1-3 ngày trước khi bão đổ bộ và tiếp tục kéo dài một vài ngày sau khi bão đã đổ bộ. Tần suất xuất hiện lũ lớn gây ngập lụt do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh hoặc không khí lạnh tăng cường là từ 55-65%; riêng lũ quét, sạt lở đất có tần suất xuất hiện từ 20-30%.

Hoạt động của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới tác động tới sự hình thành mưa lũ ở Tây Nguyên có thể được chia là hai thời kỳ khác nhau. Trong thời kỳ từ tháng 7 đến đầu tháng 9, bão, áp thấp nhiệt đới thường ít khi có tác động trực tiếp mà phần nhiều là có tác động kích hoạt gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên gây ra những đợt mưa liên tục trong nhiều ngày. Trong đó, vào những ngày bão đi ngang bờ biển Trung bộ thì thường là những ngày mưa ở Tây Nguyên gia tăng mạnh cả về lượng, cường độ cũng như diện mưa. Đây cũng là khoảng thời gian dễ có lũ lớn trên các sông suối ở các vùng phía Nam, Tây Nam tỉnh Dak  Nông; các vùng Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar,... của Dak Lak; các vùng phía Tây và Trung tâm tỉnh Gia Lai; các vùng phía Bắc, Tây Bắc tỉnh KonTum. Thời gian này, nguy cơ xuất hiện lũ quét và sạt lở đất cũng đạt cao nhất trong năm. Từ khoảng giữa tháng 9 đến cuối mùa, hoạt động  của bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng đổ bộ dịch xuống phía Nam nên khả năng ảnh hưởng đến sự hình thành mưa lũ ở Tây Nguyên cao hơn, có khi là ảnh hưởng trực tiếp như cơn bão số 9 năm 2009. Đây là thời kỳ mà mực nước và lượng dòng chảy trên hầu hết các sông suối trong khu vực đạt mức cao nhất và có nhiều lũ lớn trong năm. Tác hại do mưa bão sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu trong khoảng một tuần lễ xảy ra hai cơn bão ảnh hưởng liên tiếp. Đất đai đã được no nước, mực nước sông suối đang ở mức cao, các vùng trũng thấp bị ngập úng chưa kịp tiêu do các cơn bão liên tục đi vào không kể sự tác hại của gió bão, lượng mưa do bão làm cho nước sông suối dâng cao nhanh chóng và diện ngập lụt sẽ trở nên rất lớn, lũ lụt sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Ở Tây Nguyên, đa số những đợt mưa lũ đặc biệt lớn và có diện ảnh hưởng rộng đều có bóng dáng tác động của các cơn bão dạng này.

Do hầu hết các vùng ven các sông, suối ở Tây Nguyên là những vùng tập trung đông dân cư, nơi có những cánh đồng sản xuất nông nghiệp chính và nhiều công trình dân sinh, kinh tế như thủy điện, thủy lợi, trường học, trạm xá, khu công nghiệp,... nên nguy cơ gây hại của mưa lũ, nhất là mưa lũ do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới là rất cao. Dù ít ảnh hưởng trực tiếp nhưng bão vẫn được xem là nguyên nhân chính làm cho thiên tai lũ lụt ở Tây Nguyên trở nên nguy hiểm hơn. Do vậy, các địa phương, các cấp các ngành và người dân cần có sự đề phòng, chủ động, sẵn sàng đối phó hiệu quả mỗi khi có bão xuất hiện.

Nguyễn Văn Huy (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Kon Tum)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.