Gìn giữ và phát triển rừng - giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế thiên tai ở Tây Nguyên
Tây Nguyên có diện tích rừng xếp vào hàng lớn nhất cả nước. Theo số liệu thống kê, khu vực Tây Nguyên hiện còn khoảng 3.140 nghìn ha rừng các loại, chiếm tới 31,9% diện tích, trong đó rừng giàu chiếm 41,2%; rừng trung bình chiếm 51,2% so với tổng trữ lượng rừng cùng loại của cả nước.
Ngoài việc cung cấp các nguồn lợi về kinh tế, văn hóa, du lịch… rừng còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cân bằng môi trường sinh thái. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy rừng là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết dòng chảy, chống rửa trôi, xói mòn bảo vệ đất. Đối với độ ẩm, rừng cây là nguồn cung cấp lượng ẩm cho khí quyển thông quá trình thoát hơi từ mặt lá và thân cây. Ở rừng cây lá rộng, trung bình 100kg lá cây mỗi năm bốc hơi từ 78.900 kg đến 82.520 kg nước. Do đó, độ ẩm ở khu vực có rừng luôn cao hơn ở khu vực đất lộ thiên; đồng thời do khu vực rừng cây là một chướng ngại vật mà ma sát khá lớn làm cho dòng không khí bị cưỡng bức đi lên nên trong những điều kiện giống nhau, ở khu vực rừng cây và xung quanh nó rất dễ có mưa và lượng mưa nhiều hơn những nơi không có rừng gần đó. Kết quả quan trắc cho thấy ở những nơi có rừng, lượng mưa tăng lên từ 6 - 30% (tùy loại rừng). Ngoài ra, bản thân rừng cây cũng tạo thành mưa ngang, tức là những hạt nước do sương mốc, sương mù hình thành đọng lại.
Rừng có tác dụng làm giảm dòng chảy từ nước mưa và làm tăng lượng nước chứa trong đất đồng thời bảo vệ đất, chống sói mòn, sụt lở. Ở những vùng đất dốc, nếu canh tác các cây trồng nương rẫy thì lượng đất bị bào mòn có thể lên đến trên 300 tấn/ha/năm, nhưng nếu có cây rừng che phủ tốt thì chỉ mất 5 tấn/ha/năm. Rừng cây với những hệ thống gốc rễ của chúng là kho chứa nước, có tác dụng giữ nước, điều hòa và duy trì lưu lượng dòng chảy, làm giảm bớt tốc độ dòng nước, hạn chế được tốc độ dồn nước tập trung gây lũ lụt. Những khu rừng nhiệt đới với nhiều tầng, cành lá sum suê, tán dầy có thể che cản gần 20% lượng nước mưa, chỉ có 35% lượng mưa rơi qua khe lá xuống mặt đất, 45% chảy dọc theo thân cây trong đó 17% ngấm vào vỏ cây, 28% chảy xuống đất. Như vậy chỉ có khoảng trên 60% lượng nước mưa rơi xuống đất. Đến đất, lượng nước này lại dễ dàng ngấm qua lớp thảm mục hoặc theo rễ cây ngấm xuống đất tạo thành nước ngầm, rồi tập trung vào các mạch ngầm chảy từ từ ra các khe sâu, suối, chảy vào sông. Do vậy, tốc độ dòng chảy của nước trong rừng nhỏ đi, đồng thời tính chất giữ nước và tính chất ngấm nước của đất dưới rừng tăng lên. Theo tính toán, dòng nước chảy trên đất lộ thiên lớn gấp 2 lần trên đất có rừng. Ở vùng núi, nơi có độ dốc từ 10% trở lên khi có nước lũ chảy tràn, lưu lượng nước từ rừng cây bị chặt phá có thể lớn hơn khu vực có rừng từ 10 đến 20 lần.
Tây Nguyên chính là điểm khởi nguồn của 2 trong 9 hệ thống sông lớn nhất nước ta (sông Ba và sông Đồng Nai) cùng 2 phụ lưu lớn nhất của sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam (sông Sê San và sông Sêrêpôk). Tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sinh thái không chỉ cho riêng khu vực Tây Nguyên mà nó còn có liên quan đến các khu vực khác như Nam Trung bộ và Nam bộ. Các nhà khoa học đã cảnh báo “Không còn rừng, cà phê sẽ thiếu nước, mái nhà chung của Đông Dương sẽ cạn kiệt...” Thế nhưng , diện tích rừng ở Tây Nguyên đã giảm liên tục trong nhiều năm qua. Mỗi năm Tây Nguyên mất hàng nghìn ha rừng. Tốc độ mất rừng lớn nhất rơi vào những năm giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước (Năm 1995, diện tích rừng bị phá là 10,1 nghìn ha). Mặc dù diện tích rừng bị phá trong thời gian gần đây ở Tây Nguyên có giảm so với trước đây nhưng vẫn ở mức cao nhất so với các vùng khác trong cả nước.
Rừng suy giảm đang làm cho tài nguyên đất vốn rất màu mỡ của Tây Nguyên đang bị xuống cấp, bị chua hóa, hàm lượng chất dinh dưỡng bị suy thoái, hiện tượng xói mòn và rửa trôi đất ngày càng trầm trọng. Mất rừng cũng là nguyên nhân chính khiến cho khí hậu, thời tiết thay đổi dẫn đến hạn hán và mất mùa xảy ra thường xuyên, trong đó điển hình phải kể đến các đợt hạn hán năm 1997, 1998, 2003, 2004, 2005 làm cho gần 50% diện tích cây lương thực và cà phê bị khô cháy, 30% dân số thiếu nước sinh hoạt. Rừng đầu nguồn bị phá làm cho nước mưa dốc thẳng xuống sông suối sinh lũ quét, sạt lở đất ở thượng lưu, ngập lụt ở vùng trũng thấp gây ra những thiệt hại lớn cả về sinh mạng con người và của cải vật chất. Những trận đại hồng thủy xuất hiện liên tiếp trong các năm 2007 ở Dak Lak, Dak Nông và năm 2009 ở Kon Tum, Gia Lai là những bằng chứng rõ nét về sự khốc liệt của thiên tai mà một trong những nguyên nhân chính là do mất rừng gây ra. Không chỉ có vậy, môi trường và điều kiện sống vùng đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ cũng bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng ở Tây Nguyên. Rừng đầu nguồn ở Tây Nguyên bị tàn phá là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hằng năm xảy ra tình trạng lũ lụt, ngập úng và bỏ hóa triền miên nhiều tháng của đồng ruộng các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận… Thiệt hại về kinh tế do thiên tai có thể thống kê được, nhưng thiệt hại về suy thoái môi sinh và điều kiện sống thì không thể tính hết được.
Hiện nay, rừng ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị tàn phá, thậm chí còn có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Muốn gìn giữ và nâng cao chất lượng môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên đất, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai... thì cần phải có những biện pháp cấp thiết và phù hợp để bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng của khu vực.
Ý kiến bạn đọc