Multimedia Đọc Báo in

Hiểm hoạ môi trường từ nước thải sinh hoạt

18:17, 16/08/2010

Ông Yutaka Matsuzawa - Chuyên gia môi trường của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN đã khuyến cáo: nước thải sinh hoạt là tác nhân đáng sợ nhất gây ô nhiễm nguồn nước. Nước thải sinh hoạt còn là hiểm hoạ môi trường hàng đầu tại VN hiện nay.

Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước và vấn đề này có xu hướng càng ngày càng xấu đi. Ước tính, hiện chỉ có khoảng 6% lượng nước thải đô thị được xử lý.

 

Nước thải từ chăn nuôi gây ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt người dân xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Thúy Hồng

Thoát nước trong các khu đô thị hiện nay là vấn đề vô cùng bức thiết. Tuy vậy, chúng ta mới chỉ quan tâm được ở giai đoạn đầu, đó là việc làm thế nào để nước không bị ứ đọng trong nội đô, nhất là khi có mưa lớn. Còn vấn đề xử lý nước thải trong thoát nước vẫn chưa thể có điều kiện chú trọng. Vấn đề là việc đầu tư cần đồng bộ và thống nhất. Theo tính toán, nếu đầu tư cho cấp nước là 1 phần thì việc thoát nước cần tới 3 phần, tối thiểu phải là 2,5 thì mới có thể đảm bảo vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường.

Theo luật của Nhà nước, nguồn nước thải khi thải ra các hệ thống sông phải được xử lý sạch trước đó. Tuy nhiên, do vấn đề kinh phí còn gặp nhiều khó khăn nên đành phải chấp nhận việc nước thải chưa xử lý triệt để. Chính phủ cũng đang khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư nhưng còn gặp nhiều trở ngại do quy định việc thu phí cấp và thoát nước đối với người dân còn thấp. Hiện nay, việc thu phí thoát nước chưa đủ để đáp ứng cho chi phí vận hành và quản lý, chưa kể đến nguồn máy móc, thiết bị cần nhập về.

“Quá trình đô thị hoá tại VN diễn ra rất nhanh. Những đô thị lớn tại VN như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng bị ô nhiễm nước rất nặng nề. Đô thị ngày càng phình ra tại VN, nhưng cơ sở hạ tầng lại phát triển không cân xứng, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại VN vô cùng thô sơ. Có thể nói rằng, người Việt Nam đang làm ô nhiễm nguồn nước uống chính bằng nước sinh hoạt thải ra hàng ngày”, ông Matsuzawa nhận định. Ông cũng cho rằng, quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá khiến luồng di cư đổ về đô thị, nhưng việc thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt lại không được để ý. “Tôi chắc chắn rằng, VN trong vòng ít nhất là 10-15 năm nữa sẽ còn phải hứng chịu các tác động nặng nề do nước thải sinh hoạt không được xử lý. Đây là lý do vì sao tôi nói rằng, ô nhiễm nước thải sinh hoạt đang là vấn đề nghiêm trọng nhất mà VN đang đối mặt”.

Một báo cáo toàn cầu mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hồi đầu năm 2010 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 20.000 người tử vong do điều kiện nước sạch và vệ sinh nghèo nàn, thấp kém. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 80% các bệnh truyền nhiễm ở nước ta liên quan đến nguồn nước. Người dân ở cả nông thôn và thành thị đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh do môi trường nước đang ngày một ô nhiễm trầm trọng.

 

Nguồn nước ô nhiễm - nguyên nhân gây bệnh cho con người.                 Ảnh: Thúy Hồng

Các đô thị ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có nơi nào làm được triệt để vấn đề xử lý nước thải mà lác đác mới chỉ điểm tên được vài nơi. Chúng ta cũng đã có những quy định cụ thể về việc bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải khi xây dựng các khu đô thị. Theo ông Matsuzawa, nước thải sinh hoạt là vấn đề nghiêm trọng với tất cả các quốc gia. “Tại Nhật, chúng tôi đã mất đến 40 năm để có thể phát triển một hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và rác thải hợp lý. Tại VN, cơ quan chức năng thường muốn xử lý nhiều thứ trong cùng một thời điểm và muốn có hiệu quả nhanh. Nhưng để xử lý hữu hiệu vấn đề rác thải,  nước thải lại rất cần sự kiên trì. Tôi cho rằng, riêng Hà Nội cần phải mất ít nhất 10 năm để có thể làm giảm dần ô nhiễm nước sông”, chuyên gia JICA nhìn nhận.
Sau ba năm làm việc tại Việt Nam trong lĩnh vực môi trường, chuyên gia Matsuzawa cho rằng giải pháp cho vấn đề nước thải sinh hoạt không phải nằm ở việc nâng cao nhận thức người dân, mà là vấn đề về quản lý đô thị của các cấp chính quyền. Nếu thờ ơ và để nước thải sinh hoạt từ hơn 83 triệu người làm ô nhiễm môi trường thì vấn đề sẽ là rất lớn, nhất là với môi trường cho thế hệ tương lai, ông khuyến cáo.

Thúy Hồng (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.