Multimedia Đọc Báo in

Suy thoái tài nguyên nước lưu vực sông ở Việt Nam

19:28, 12/08/2010

Những năm qua, sự gia tăng dân số và khai thác quá mức tài nguyên nước (TNN), đất và rừng đã làm suy kiệt nguồn nước; việc phát triển đô thị và công nghiệp nhưng không có biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý các chất thải lỏng, thải rắn theo yêu cầu cũng đã làm ô nhiễm nguồn nước, cho nên suy thoái đã trở thành khá phổ biến đối với các lưu vực sông, vì vậy Việt Nam đã được quốc tế xếp vào loại các quốc gia có TNN suy thoái.

 

Sông Hương (Thừa Thiên Huế).      Ảnh: Thúy Hồng

Theo thống kê, nước ta có nguồn nước mặt từ các sông hồ rất lớn, khoảng 835 tỷ m3, trong đó có 313 tỷ m3 sản sinh trên lãnh thổ Việt Nam còn lại 522 tỷ m3 từ lãnh thổ các nước ngoài chảy vào nước ta. Tuy nhiên, TNN trên các lưu vực sông nước ta đang suy giảm nghiêm trọng về số lượng và chất lượng.

Số liệu điều tra tài nguyên nước 5 năm gần đây cho thấy, TNN mưa trên lãnh thổ Việt Nam ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, thấp hơn khoảng 1%. Mặc dù TNN mưa dao động ở mức trung bình nhiều năm nhưng TNN mặt ở hạ du các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên những lưu vực sông chính nước ta như sông Hồng, Đồng Nai, Sài Gòn, Sêrêpôk, Sê San, sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn và một số sông khác, phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm, có nơi thấp hơn khá nhiều. Tại hạ lưu sông Đà, Thao, Lô và sông Hồng - Thái Bình, nguồn nước trong 5 năm gần đây đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 9 - 18%, trong đó, tại tuyến Hà Nội, thấp hơn 22%. Trong các mùa kiệt, nguồn nước trong sông còn thấp hơn trung bình cùng kỳ đến 50 - 60%. Trên các lưu vực sông ở Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên, TNN mặt thấp hơn trung bình 15 - 40%, riêng các lưu vực sông ở Nam Trung bộ thuộc các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, lượng dòng chảy thấp hơn trung bình nhiều năm tới 55 - 60%.

Hiện tượng nguồn nước mặt suy giảm trong mùa kiệt đã diễn ra ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang dẫn tới suy giảm liên tục ở hạ lưu sông Hồng. Tình trạng trên còn khá phổ biến ở lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, sông Kôn, sông Ba, Đồng Nai - Sài Gòn, Sê San, Sêrêpôk… Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến việc suy thoái TNN ởcác lưu vực sông Việt Nam là do:

Khai thác quá mức tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan đến nước như đất, rừng, khiến tài nguyên nước bị suy kiệt. Ngoài ra, các hồ thủy điện lớn khi vận hành chỉ nhằm phục vụ cho phát điện cũng gây cạn kiệt dòng chảy cho hạ lưu. Theo khuyến cáo của UNEP, WRI... thì ngưỡng khai thác TNN chỉ nên giới hạn trong phạm vi 30% của dòng chảy, nhưng ở Việt Nam có nhiều nơi như miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên... đã khai thác trên 50% lượng dòng chảy về mùa kiệt, đặc biệt là ở Ninh Thuận, Bình Thuận đã khai thác tới 70-80% lượng dòng chảy về mùa kiệt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao không đi đôi với việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường nên đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn nước. Dễ thấy nhất là chất lượng nước trong 3 lưu vực sông: Cầu, Nhuệ - Đáy, Đồng Nai - Sài Gòn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn sông đã "chết" hoàn toàn, nhất là ở các vùng hạ lưu. Việc phát triển mạnh mẽ đô thị và các khu công nghiệp nhưng không có biện pháp quản lý chặt chẽ và xử lý các chất thải lỏng, thải rắn theo yêu cầu cũng đã làm ô nhiễm nguồn nước mặt ngày càng tăng cả về mức độ và quy mô. Những bài học về xả nước thải như Vedan, Miwon… vừa qua đã làm cho môi trường phải trả giá đắt. Bên cạnh đó do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự gia tăng nhanh về dân số và các nguyên nhân về quản lý.

 

Tài nguyên nước ngày càng bị suy thoái. Ảnh: Thúy Hồng


Theo dự báo, tình trạng suy giảm nguồn nước, hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trên diện rộng ở nhiều vùng trên cả nước, nhất là các tháng cuối mùa kiệt.  

Để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn TNN, giảm thiểu khó khăn về suy thoái TNN cho các lưu vực sông, các chuyên gia về tài nguyên nước đã đưa ra một số giải pháp. Đó là, xây dựng các hồ chứa thượng lưu để điều tiết nguồn nước vận hành theo quy trình hợp lý đồng thời xây dựng các công trình khai thác lấy nước mặt, nước dưới đất ở trung lưu và hạ lưu các lưu vực sông nhằm đáp ứng cho các nhu cầu sử dụng nước và duy trì dòng chảy môi trường; trong điều kiện cần thiết và cho phép thì còn phải xây dựng các công trình chuyển nước lưu vực để giải quyết cho những vùng khan hiếm nước mà các nguồn nước trong lưu vực không đáp ứng được. Tiếp theo là phát triển các hệ thống thu gom và xử lý các loại chất thải. Đối với sông nội đô cần tăng cường nạo vét, dẫn thêm nguồn nước sạch ở sông hồ vào; đẩy mạnh việc xây dựng các trạm xử lý nước thải và chất thải rắn tập trung và phân tán. Việc đẩy mạnh trồng rừng, nâng cao độ che phủ và sử dụng hợp lý tài nguyên đất nhằm điều hòa nguồn nước, giảm lũ, tăng lưu lượng mùa kiệt cũng là một trong những giải pháp hết sức quan trọng và cần thiết.

Thúy Hồng (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc