Túi ni-lông có thể bị xóa sổ
Việc sử dụng túi ni-lông trong đời sống hằng ngày đã trở nên quen thuộc với hầu hết người tiêu dùng, trong khi đó quá trình để nó phân hủy phải kéo dài lâu nhất tới 10 thế kỷ. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà rác thải từ túi ni-lông còn là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Trước tình hình đó, rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ phải vào cuộc "tẩy chay" túi ni-lông.
Hiểm họa từ việc sử dụng túi ni-lôngCon người có thể vứt bỏ túi ni-lông trong nháy mắt, nhưng quá trình để nó phân hủy phải kéo dài lâu nhất tới 10 thế kỷ. Trong một số loại túi ni lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, khi bị đốt cháy, gặp hơi nước sẽ tạo thành Axit sunfuric dưới dạng các cơn mưa axit, rất có hại cho phổi người và động vật. Túi ni-lông khó hủy làm bằng PVC có chứa clo, khi cháy tạo ra chất đioxin và axit clohiđric rất độc hại.
Nếu quá trình xử lý một cách thủ công thô sơ hay đốt chúng, sẽ tạo ra khí thải có chất độc Đioxin và Furan gây ngộ độc, ảnh hướng đến tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.
Túi ni-lông vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ảnh: Thúy Hồng |
Nếu mỗi hộ gia đình Việt Nam hằng ngày thải ra môi trường một túi ni-lông thì cả nước sẽ có 17 triệu túi mỗi ngày và như vậy, mỗi năm khoảng hơn 6 tỷ chiếc. Nhưng trong thực tế còn cao hơn nhiều. Trước tác hại của túi ni-lông, điều cần thiết nên làm là ngừng sản xuất, tiêu thụ loại túi này. Tuy nhiên, trước hết cần phải giảm bớt mức độ sử dụng túi ni-lông trong mỗi cộng đồng dân cư. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân để hạn chế sử dụng túi ni-lông đã được thực hiện, song, hầu như chưa đem lại kết quả như mong muốn. Tại những siêu thị đầu mối ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, việc quảng bá sản phẩm thay thế túi ni-lông như túi giấy, túi vải đã được tiến hành, nhưng chưa làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của một số nhóm nghiên cứu, tính đến thời điểm này, nhiều người bán hàng, người mua hàng vẫn còn thiếu hiểu biết về tác hại của túi ni-lông. Ngoài ra, còn một số lớn người tiêu dùng dù biết rõ tác hại, nhưng lại tỏ ra thờ ơ với các chương trình hành động nhằm hạn chế việc sử dụng túi ni-lông. Thái độ thiếu trách nhiệm của nhiều người trong chúng ta hôm nay sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của những thế hệ con cháu mai sau.
Thu phí, tăng thuế để loại túi ni-lông ra khỏi cuộc sống…Bắt đầu từ cuối tháng 7-2010, Brunei đã đưa ra quyết định thu phí khi sử dụng túi nhựa tại siêu thị, trong khi chỉ thị về lệnh cấm hoàn toàn sử dụng túi nhựa vẫn chưa được đưa ra.
Anh Aaliyah Kassim, một sinh viên Brunei ở Anh nói với The Times rằng: "Chính phủ Brunei và siêu thị cần có ưu đãi với những người sử dụng túi nhựa có khả năng phân hủy, chẳng hạn như tặng quà miễn phí cho những người đó".
Bà Murdinah, làm ngành du lịch cho biết, các siêu thị lớn như Supasave và Hua Ho đã lên phương án tính phí 10-20 cent cho mỗi túi nhựa. Bà Murdinah nhấn mạnh: "Quan trọng là điều đó sẽ thiết lập một tiền lệ, để sau đó các siêu thị nhỏ hơn làm theo".
Người dân sử dụng túi ni-lông còn phổ biến. Ảnh: Thúy Hồng |
Ở Thượng Hải (Trung Quốc), hầu hết người mua sắm sử dụng túi có thể tái sử dụng. Các nhà bán lẻ không cung cấp túi đó cho NTD và không thu khoản phí nào. Ngay từ năm 2003, Ireland đã khuyến khích người dân tại đây hạn chế sử dụng túi nhựa mà chuyển sang dùng những loại túi vải tái sử dụng.
Những loại bao tải nhựa cũng bị đánh thuế ở Ý và Bỉ. Còn ở Thụy Điển, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy... những người kinh doanh tạp phẩm sẽ phải trả thuế cho những loại bao tải nhựa.
Để thực hiện chính sách này, chính phủ Ireland đã áp dụng mức thu phí 15 xu/túi nhựa áp dụng từ năm 2002, người dân đã giảm 90% mức dùng túi nhựa/năm.
Ở Anh, hệ thống siêu thị Tesco đã đưa vào sử dụng loại túi nhựa tự phân hủy, không gây ô nhiễm với môi trường, nếu khách sử dụng túi nhựa sẽ phải trả phí 10 cent/túi.
Trung Quốc đã thông qua việc hạn chế nghiêm ngặt, giảm chất thải và loại bỏ được việc sử dụng 40 tỷ túi nhựa. Nếu vi phạm có thể bị phạt đến 10.000 nhân dân tệ (1.463 USD).
Ngày từ đầu năm 2008, vùng lãnh thổ Hồng Kông đã đưa ra quyết định, khách hàng khi lấy túi nhựa khó phân hủy để đựng hàng phải trả thêm 50 xu Hồng Kông (tương đương khoảng 1.000VND)/túi
Tại Tanzania, nếu bán các túi xách nhựa khó phân hủy bị tuyên án nhiều nhất 6 tháng tù giam và phạt tiền 1,5 triệu đồng shilling (1.137 USD).
Uganda, Kenya, Tanzania... cũng đã đưa ra những quyết định cấm nhập và sản xuất, tăng thuế đối với mặt hàng túi nhựa khó phân hủy.
Một số nhà hoạt động môi trường đang kêu gọi cấm sử dụng túi nhựa trên toàn cầu. Ông Achim Steiner, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, nói: "Các túi nhựa đứng thứ hai trong việc xả rác sau các mẫu thuốc lá".
Để giải quyết những vấn đề môi trường, ngày 2-6 vừa qua, chính quyền bang California quy định cấm các cửa hàng phát túi nhựa khó phân hủy cho khách hàng.
Từ tháng 3-2007, thành phố San Francisco đã đưa ra quy định các siêu thị và cửa hàng, thôi dần việc sử dụng bao bì nhựa. Mỗi năm, San Francisco tiết kiệm được 1,7 triệu lít dầu, loại bỏ được 1.400 tấn rác ni-lông. Sau đó, thành phố Los Angeles cũng thực hiện lệnh cấm này.
Còn từ tháng 7-2010, Gabon - một quốc gia ở châu Phi chính thức cấm sử dụng túi nhựa trên toàn quốc. Thay vào đó, các cửa hàng đưa vào sử dụng loại túi sinh học làm từ polime có thể phân hủy dưới tác động của nước và ánh sáng mặt trời.
Trong một quyết định hồi năm 2005, trong năm 2010 này Pháp cũng sẽ cấm túi nhựa khó phân hủy. Ở Marốc, một quốc gia châu Phi khác, cũng đang có những dự thảo về lệnh cấm dùng túi nhựa khó phân hủy.
Thúy Hồng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc