Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Uy (huyện Krông Pak): Ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi trâu, bò

17:30, 30/08/2010

Đã nhiều năm nay, người dân xã Ea Uy (huyện Krông Pak) đang phải sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do chính tập quán chăn nuôi trâu, bò lạc hậu của mình gây ra. Trong khi đó, để giải quyết vấn đề này đối với chính quyền địa phương, vẫn là một “bài toán” vô cùng nan giải…

Thực trạng đáng buồn
Xã Ea Uy là một trong những địa bàn còn nhiều khó khăn của huyện Krông Pak. Đời sống kinh tế của bà con phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp với những cây trồng, vật nuôi chủ lực như lúa nước, bắp, sắn, và chăn nuôi trâu, bò. Toàn xã có 6744 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 1/3 số dân. Hiện nay, mật độ chăn nuôi của địa phương đang phát triển khá mạnh với gần 3.000 con trâu, bò, trên 4.800 con heo, và 34.000 con gia cầm các loại. Riêng trâu, bò, bình quân mỗi hộ chăn nuôi 3-5 con, nhiều hộ nuôi với số lượng lớn từ 10-30 con. Tuy nhiên, do trình độ dân trí chưa cao, tập quán chăn nuôi của bà con còn lạc hậu, hầu hết là thả rông và thiếu quản lý chặt chẽ. Còn trâu, bò thì chuồng trại chỉ được làm tạm bợ, không có mái che hay rào cản, thường cột tập trung ngoài trời, ngay cạnh nhà ở và khu vực sinh hoạt gia đình. Từ thực tế đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Ea Uy đang ở mức báo động, là mối lo ngại của nhiều người và thách thức lớn đối với chính quyền sở tại. Ngày nắng, khắp thôn xóm đều nồng nặc mùi hôi thối, bốc lên từ các khu vực nhốt thả gia súc, gia cầm, khi mưa xuống, nước nổi lênh láng, cuốn phân, chất thải vào tận trong nhà. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân trong xã đều dùng nước giếng tự đào, lại ít được xây thành cao, nên khi trời mưa, phân gia súc, gia cầm theo dòng nước chảy xuống, không những thế, nước thải tù đọng còn ngấm xuống mạch nước ngầm, khiến nhiều giếng nước ở đây luôn trong tình trạng có mùi khó chịu. Mặt khác, vấn đề bảo hộ trong lao động chưa được người dân chú trọng. Khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm hay chất thải từ chăn nuôi, họ ít khi dùng tới ủng, găng tay, khẩu trang. Theo thống kê của Ban y tế địa phương, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay đã có gần 6.000 lượt bệnh nhân đến cơ sở y tế xã để khám và điều trị, hầu hết là các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, sốt xuất huyết… Với những tác hại như vậy, song nhiều người dân nơi đây vẫn không chịu thay đổi tập quán sinh hoạt và chăn nuôi. Ông Đào Xuân Niết, thôn 8 bộc bạch: “Do gia đình không có điều kiện để xây dựng chuồng trại kiên cố, nên trâu, bò được cột ngoài trời. Nếu trời mưa thì cột trong vườn cây sau nhà và che tạm tấm bạt bên trên cho vật nuôi đỡ lạnh”. Còn lý giải về thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm gần khu vực sinh hoạt và nhà ở, anh Y Ngang Niê, buôn Hàng A1 cho biết, nhiều hộ trong buôn đều làm theo hình thức như vậy là để tiện trông coi, và gần đường thì dễ dàng lấy phân cho ra đồng bón trực tiếp cho cây trồng.

Hầu hết khu vực cột trâu bò của người dân xã Ea Uy đều gần đường đi và cạnh nhà ở.
Hầu hết khu vực cột trâu bò của người dân xã Ea Uy đều gần đường đi và cạnh nhà ở.

Gian nan tìm giải pháp
Hằng năm, chính quyền địa phương đã phát động các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô tập trung, xây bể bioga, xử lý chất thải chăn nuôi bằng men sinh học… để không gây ô nhiễm môi trường, mà lại có hiệu quả thiết thực việc trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Song, mọi biện pháp đều như “muối đổ bể” đối với tập quán của bà con nơi đây. Ông Lê Kỷ, Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho hay: “Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi của bà con, ngoài các phong trào mà địa phương phát động trực tiếp như thu gom rác thải thôn xóm, dọn vệ sinh chuồng trại… còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gián tiếp kết hợp, thông qua các tổ chức y tế, xã hội, lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, song, chỉ được thời gian đầu rồi đâu lại vào đó”.

Bên cạnh những giải pháp mà chính quyền địa phương đã thực thi để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, UBND huyện Krông Pak cũng đã có nhiều chương trình tích cực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con xã Ea Uy. Điển hình là năm 1998, hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch theo quy mô cụm xã (là một giếng khoan) tại buôn Hàng A1. Song đến nay, do tình trạng ô nhiễm môi trường công trình này cũng bị nhiễm bẩn không sử dụng được nữa. Năm 2010, theo Chương trình 135 của Chính phủ, huyện Krông Pak đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng để xây dựng 224 nhà vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số trong xã. Nhưng do tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, nên phần lớn các nhà vệ sinh chỉ sạch trong mấy ngày đầu…

Với mức độ ô nhiễm môi trường khá cao ở địa phương, thiết nghĩ, để phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, chất lượng cuộc sống được nâng lên, môi trường trong sạch, chính quyền xã Ea Uy cần phải có những biện pháp thực sự hữu hiệu. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà cần xây dựng những điểm tập trung chăn nuôi một cách an toàn, cách xa nơi ở và sinh hoạt của người dân. Có như thế vệ sinh môi trường và vấn đề sức khỏe của bà con mới được bảo đảm, cảnh quan nông thôn mới thực sự trong lành.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc