Cần có biện pháp bảo vệ loài rùa cạn và rùa nước trên địa bàn tỉnh
Được sự cho phép của UBND tỉnh, từ tháng 9-2010 đến nay, đoàn chuyên gia của Liên hiệp Hội KHKT tỉnh và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã tổ chức 2 đợt khảo sát về tình trạng các loại rùa trên địa bàn tỉnh.
Trong đợt 1, đoàn đã khảo sát ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Súp và đã ghi nhận được 47 mẫu rùa thuộc 7 loài (cả rùa cạn và rùa nước), trong đó có một số loài rùa quý hiếm thuộc nhóm IIB như: rùa Núi Vàng (Indotestudo elongata), rùa Núi Viền (Manoaria impressa), rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis), rùa đất lớn (Heosemys grandis). Ngoài ra còn có các loài rùa đất Sêpôn (Cyclemys tcheponensis), rùa Bagơ (Malyaemys subtrijuga), ba ba trơn (Pelodiscus sinensis). Trong đợt 2, đoàn đã khảo sát ở các huyện còn lại và thu được 20 mẫu, phát hiện 4 loài rùa nước Trung bộ và rùa trán vàng. Những loại rùa nước và rùa cạn phát hiện trong đợt này có nhiều con lớn, cân nặng trên 1 kg, cũng thuộc nhóm IIB trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, theo GS.TS Mai Đình Yên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Rùa nước Trung bộ là loài rùa đặc hữu, rất quý hiếm, quần thể sống ở phạm vi hẹp 100km2, số cá thể này rất ít nên cần bảo vệ bằng mọi giá”.
Trong thời gian qua, tình trạng bắt rùa, mua bán rùa rộ lên ở một địa phương, đặc biệt là Bình Định. Không loại trừ khả năng các toán săn bắt rùa tìm đến Dak Lak để tìm bắt rùa. Thiết nghĩ, tỉnh cần có những biện pháp bảo vệ quần thể rùa trên địa bàn tỉnh khỏi tình trạng săn bắt rùa tràn lan, tận diệt.
Ý kiến bạn đọc