Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Tây Nguyên

10:42, 27/03/2011

Chủ đề của Ngày Khí tượng Thế giới (23-3) năm nay là “Khí hậu của chúng ta”. Trong thông điệp nhân Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, ông Michel Jarraud, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nhấn mạnh, khí hậu là yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến năng suất nông nghiệp, an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, y tế… Những thay đổi khí hậu hiện nay là thách thức đối với ngành khí tượng thủy văn quốc gia và quốc tế.

Hệ lụy của biến đổi khí hậu
Là một trong 7 vùng sinh thái của nước ta, khí hậu Tây Nguyên mang nét chung của miền khí hậu phía nam. Nơi đây có chế độ nhiệt khá dồi dào, nắng nhiều, lượng mưa tương đối phong phú là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông – lâm nghiệp.

Tính chất thuận lợi đối với sản xuất nông – lâm nghiệp đã là nhân tố quan trọng để Tây Nguyên phát triển kinh tế. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tây Nguyên là nơi tập trung phần lớn những cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều và nhiều loại cây ăn trái, cây nguyên liệu, dược liệu có giá trị. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Tây Nguyên vẫn là nơi có diện tích và trữ lượng rừng vào hàng cao nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hơn thế, rừng ở nơi đây rất đa dạng về chủng loại với nhiều kiểu rừng, nhiều loài cây, con có giá trị, có ảnh hưởng đặc biệt tới tài nguyên khí hậu thủy văn và tài nguyên đất. Hệ động, thực vật trong các khu rừng ở Tây Nguyên được xếp vào hàng phong phú nhất nước ta. Riêng thực vật có khoảng 4.500 loài thuộc 1.200 chi của 224 họ; nhiều loại có giá trị đặc biệt như thông, tuế lá chẻ, thủy tùng, quao xẻ tua và gạo lông men… Rừng Tây Nguyên cũng là nơi quy tụ của nhiều cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, sâm Bố Chính, hà thủ ô trắng, thiên niên kiện, sa nhân, hoàng đán, bách bộ,… Động vật ở rừng Tây Nguyên có 535 loài có xương sống, trong đó có 78 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ của Việt Nam.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể gây ra nhiều tác động có hại đối với sản xuất nông - lâm nghiệp, môi sinh. BĐKH phá vỡ cân bằng sinh thái, làm biến mất đi một số loài, làm thay đổi điều kiện sống của các loài sinh vật và nguy cơ xuất hiện nhiều loại dịch bệnh mới trong sản xuất nông nghiệp. BĐKH tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa vụ, tác động xấu đến chăn nuôi, trồng trọt,… Nhiệt độ và lượng bốc hơi tăng cùng với hạn hán kéo dài sẽ tác động mạnh đến hệ sinh thái, đặc biệt hiện tượng cháy rừng sẽ xảy ra nhiều hơn và làm suy giảm đa dạng sinh học. BĐKH tác động đến sự sinh trưởng, năng suất cây trồng, thay đổi thời vụ gieo trồng; làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh hại cây trồng, ảnh hưởng đến sinh sản, sinh trưởng của gia súc, gia cầm; làm tăng khả năng sinh bệnh, truyền dịch của gia súc, gia cầm; là nguyên nhân dẫn đến sa mạc hóa khiến cho diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp.
BĐKH ở Tây Nguyên làm cho nhiệt độ có xu hướng tăng, nguồn nước giảm; diễn biến thời tiết đang ngày càng có xu thế cực đoan hơn. Thiên tai xảy ra thường xuyên: lũ lụt, lũ quét vào mùa mưa; hạn hán, nắng nóng vào mùa khô; các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như giông, lốc xoáy, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường hơn. Sự gia tăng biên độ nhiệt, ẩm ngày đêm khiến một số nơi đang mất dần tính ôn hòa vốn có. Trong một vài tháng của mùa khô, hiện tượng nhiệt độ tăng cao, gây nắng nóng hơn bình thường đã xuất hiện ở nhiều nơi. Sự phân bố mưa theo không gian và thời gian cũng có những dấu hiệu thay đổi. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hiện tượng mưa lớn gia tăng khiến lũ quét xuất hiện nhiều hơn. BĐKH cũng được xem là tác nhân chính làm cho dòng chảy sông suối ở Tây Nguyên mất đi sự hiền hòa vốn có, thể hiện nhiều qua mức độ cạn kiệt nghiêm trọng trong mùa khô, và đỉnh lũ ngày càng nhọn hơn, cao hơn, cường suất lũ lên lớn hơn trong mùa lũ.

Người dân bơm nước cứu lúa bị hạn.
Người dân bơm nước cứu lúa bị hạn.
Ứng phó tốt với BĐKH giúp Tây Nguyên phát triển bền vững
Ngày nay, nhận thức toàn cầu về những nguy cơ tiềm tàng từ vấn đề BĐKH ngày càng được nâng cao. Xu thế chung là hợp tác quốc tế và khu vực để đối phó với vấn đề BĐKH sẽ được tăng cường, tập trung vào quá trình thiết lập cơ chế hợp tác, nghiên cứu và đánh giá tác động, xây dựng biện pháp phòng ngừa và nghiên cứu công nghệ, năng lượng mới... Vùng đất Tây Nguyên cũng cần có những động thái tích cực góp phần vào việc ngăn chặn mức độ tác động tiêu cực của BĐKH, hạn chế tính cực đoan của thời tiết, giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, vấn đề khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng cần được chú trọng.

Cần biết rằng, sự cân đối hài hòa giữa đất có cây rừng và đất sử dụng cho các mục đích khác sẽ góp phần bảo vệ được tài nguyên đất, điều hòa tài nguyên nước, hạn chế tai biến thiên tai và cân bằng đa dạng sinh học. Rừng cũng là nhân tố chủ đạo trong việc làm giảm nồng độ khí CO2 và nhiều khí độc hại khác trong khí quyển. Do đó, vấn đề bảo vệ và phát triển vốn rừng ở Tây Nguyên cần được xem là nhiệm vụ trọng yếu trong việc ứng phó với BĐKH. Phải có các biện pháp đồng bộ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có kết quả Chương trình Quốc gia về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng các biện pháp nông lâm kết hợp; phát động phong trào bảo vệ rừng; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại công sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Mục tiêu phát triển của nước ta là đạt được sự tăng trưởng kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững. Tây Nguyên là trong một trong những vùng được Đảng và Nhà nước ưu tiên chỉ đạo, đầu tư nhằm giúp khu vực này đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Do vậy, kiểm soát và giảm hậu quả thiên tai cũng là một vấn đề then chốt. Các địa phương trong khu vực Tây Nguyên đã và đang xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể cho việc giảm nhẹ thiên tai. Các chuyên gia về lĩnh vực khí hậu và phòng chống thiên tai khuyến cáo rằng: Để chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, trước hết cần nắm bắt tốt quy luật tình hình khí hậu, thời tiết ở từng vùng, từng địa phương trong từng thời kỳ khác nhau. Hiện nay, cơ quan Khí tượng Thủy văn ở Tây Nguyên đã nghiên cứu, tính toán mô phỏng được tình hình diễn biến khí hậu, thủy văn trong từng thời kỳ cũng như các loại thiên tai có thể xuất hiện trong khu vực, qua đó nâng cao hiệu quả dự báo phục vụ cho chỉ đạo sản xuất và phòng chống thiên tai của các địa phương. Tuy nhiên, công tác giảm nhẹ thiên tai đòi hỏi có sự chi tiết hơn, cụ thể hơn cho từng vùng, từng lưu vực sông khác nhau nên vẫn rất cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về kinh phí và nhân lực.

Ở Tây Nguyên, kinh tế nông – lâm nghiệp giữ vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu của khu vực. Ứng phó tốt với tác động của BĐKH trong nông – lâm nghiệp là điều kiện căn bản để khu vực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Sự đa dạng của các loại cây, con do có tài nguyên khí hậu thuận lợi có thể sẽ thay đổi đáng kể trong điều kiện BĐKH. Do vậy, cần nhanh chóng xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường hệ thống điều hòa, trữ và cấp nước. Sử dụng các giống kháng, chịu hạn tốt hơn; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, né lũ; nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm,… Tăng cường đa dạng sinh học trên các vườn cây như trồng cây che bóng, trồng xen canh cây ăn quả, cây đai rừng sẽ là giải pháp ứng phó với BĐKH hiệu quả do hệ thống cây trồng này có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau. 

Ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự nỗ lực chung. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về BĐKH và tác hại của nó đối với đời sống kinh tế-xã hội; về phương thức và phương án giảm nhẹ thiên tai để từ đó thay đổi thái độ, hành vi ứng xử trong hoạt động sống của mình.

 

Nguyễn Văn Huy

 


Ý kiến bạn đọc