Dùng làn đi chợ
Nhớ thuở hàn vi, đời sống khó khăn, dăm bữa nửa tháng mới ra đến chợ nhưng chẳng lần nào mẹ tôi quên đem theo chiếc làn. Mỗi lần sử dụng xong, mẹ chà thật sạch, khi nào đi chợ lại tiếp tục dùng. Chiếc làn gắn bó với mẹ mười mấy năm trời, chỉ cũ theo thời gian mà chẳng rách.
Khi đi lấy chồng, tôi luôn thấy bóng dáng của mẹ bởi mẹ chồng tôi ngày nào đi chợ, vật bất ly thân với bà cũng là chiếc làn. Ai ung dung đủng đỉnh tay không ra chợ, lúc về tay xách nách mang, túi mẹ túi con lủng lẳng thế nào thì mặc chứ mẹ vẫn “giữ vững lập trường”: đi chợ là phải có làn. Lý lẽ giản dị của mẹ là: mua ít mua nhiều, mọi thứ bỏ cả vào trong làn, đó là thói quen và cũng để đỡ quên khi mua hàng nhất là giờ đã có tuổi. Còn với tôi không đơn giản đó là phương cách để mẹ giải quyết tính hay quên mà còn rất thân thiện với môi trường. Thấy thói quen tốt, tôi cũng học và làm theo mẹ. Sáng nào đi chợ, dù thong thả hay vội vã, tất bật đi chợ, tôi cũng phải đem theo chiếc làn. Mấy người bạn cười bảo tôi còn trẻ, sống thành phố mà như bà già, đi chợ mang làn theo chi cho mệt, rườm rà, phiền phức, mọi thứ đã có túi nilon cả rồi. Tôi lý giải rằng: cũng chính vì mọi thứ đã có túi nilon nên tôi mới tạo thói quen dùng làn đi chợ.
Khi chia sẻ một vài thông tin tích lũy được về tác hại của việc lạm dụng túi nilon, không phải tôi muốn ngụy biện cho thói quen bị bạn bè đặt tên là “quê kiểng” của mình mà chỉ mong góp một tiếng nói nhỏ bé để mọi người hiểu và có thêm những việc làm, hành động cụ thể, thân thiện hơn với môi trường. Hiện những túi nilon được sử dụng ngoài chợ thường là đồ tái chế. Do đó, khi đựng thực phẩm đã chế biến, chúng sẽ gây hại cho não, gây ung thư bằng cách truyền các kim loại nặng như chì sang thức ăn. Nếu đựng đồ ăn nóng (với nhiệt độ từ 70 - 80 độ C) thì những chất độc hại trong túi nilon sẽ hòa lẫn vào thức ăn. Còn khi thiêu hủy, các loại túi này sẽ tạo thành khí cácboníc, mê-tan và khí điôxin cực độc. Trong trường hợp chôn vùi dưới đất, phải mất tới vài trăm năm mới có thể phân hủy hết. Với đơn vị tính trăm năm như thế không biết hậu thế phải gánh chịu mức độ tác hại cỡ nào trước vấn nạn túi nilon? Có lẽ nghe từ “trăm năm” còn thấy dài dài nên ai đó vẫn ung dung? Còn nguồn nước, tài nguyên đất thì đang rên xiết trước hàng núi túi nilon thải ra môi trường mỗi ngày thì vẫn đang hiện hữu…
Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường có lẽ không có gì đơn giản, dễ thực hiện hơn chỉ bằng một thói quen tốt là: dùng làn đi chợ.
Ý kiến bạn đọc