Hưởng ứng “Năm toàn cầu của rừng” bằng những hành động thiết thực
Năm 2011 được Liên hiệp quốc chọn làm “Năm toàn cầu của rừng” nhằm kêu gọi các quốc gia trên thế giới chung tay quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng… Là một trong những tỉnh có diện tích rừng đứng đầu cả nước, Dak Lak sẽ hưởng ứng “Năm toàn cầu của rừng bằng những hành động cụ thể - Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak về chủ đề này.
* Với diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau tỉnh Gia Lai) , công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng của Dak Lak đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Toàn tỉnh hiện có 646.376 ha rừng, trong đó 571.938 ha rừng tự nhiên, số còn lại là diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ. Trong 5 năm 2006 – 2010, công tác bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh đã đạt được những thành công đáng khích lệ: ngoài việc tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, bình quân giai đoạn 2005 -2010 toàn tỉnh trồng mới khoảng 6.500ha/năm, góp phần tăng độ che phủ của rừng từ 45,50 % năm 2005 lên 49, 24 % năm 2010. Tuy nhiên, diện tích rừng lớn, lực lượng kiểm lâm còn mỏng, ý thức quản lý bảo vệ rừng của cộng đồng dân cư còn hạn chế nên công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tình hình khai thác gỗ trái phép, “săn” các loài gỗ đặc hữu, quý, hiếm để phục vụ cho thú chơi của một bộ phận dân cư còn xảy ra ở nhiều nơi ; tình trạng xâm chiếm đất quy hoạch cho lâm nghiệp để trồng cây lương thực, cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương cũng như quy hoạch chung của ngành. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình còn gặp nhiều trở ngại nên khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào nghề rừng, công tác xã hội hóa nghề rừng vì vậy chưa đạt kết quả như mong muốn.
Một góc khu rừng nguyên sinh Cư H'lâm, Cư M'gar. (Ảnh: Gia Thịnh) |
- Từ năm 1999 -2001, Dak Lak bắt đầu triển khai công tác giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng thôn buôn để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh lâu dài, với mức hưởng lợi thí điểm là 6% sản lượng khai thác/ha/năm khi rừng đến tuổi khai thác. Đến năm 2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 178 quy định mức hưởng lợi chỉ còn 2%. Mặt khác, quyền hưởng lợi của người dân theo quy định 178 vẫn còn nhiều bất cập: chu kỳ sản xuất của cây rừng dài, thời gian chờ đợi hưởng lợi phải mất từ 5 – 20 năm (tùy theo trạng thái rừng lúc nhận), người dân đã thiếu vốn, lại khó tiếp cận được với các nguồn tín dụng để có thể đầu tư, kinh doanh, sản xuất từ rừng do thiếu cơ chế chính sách cụ thể… Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ khuyến lâm cơ sở vẫn còn mỏng nên không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Chính vì vậy, những năm qua vẫn chưa thực sự khuyến khích người dân tự nguyện nhận rừng để quản lý bảo vệ và kinh doanh lâu dài. Đối với việc thí điểm giao rừng theo Quyết định 304/TTg, ngày 23-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ cũng chưa mang lại hiệu quả mong đợi, bởi rừng giao cho các hộ đa phần là những khu rừng nghèo đã qua khai thác trước đây của các Công ty lâm nghiệp trả về cho địa phương. Những diện tích rừng này không thể cho người dân hưởng lợi ngay, mà phải cần đầu tư, trong khi đó các hộ nhận rừng lại là những hộ nghèo nên càng gặp khó khăn ; vì vậy mà công tác quản lý bảo vệ rừng cũng không hiệu quả.
* Năm 2011 được Liên hiệp quốc chọn là Năm Quốc tế về rừng, ngoài ý nghĩa nâng cao nhận thức trong việc quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi của trái đất, thì vấn đề an sinh xã hội đối với người dân sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng cần được quan tâm như thế nào ?
- Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là cải thiện sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Theo đó, để bảo đảm lợi ích của họ trong việc nhận quản lý, bảo vệ rừng giao khoán, năm 2011, Nhà nước đã điều chỉnh tăng tiền công từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/ha/năm. Riêng tại tỉnh ta, ngoài thực hiện những giải pháp đẩy nhanh xã hội hóa nghề rừng - đang được ngành lâm nghiệp triển khai như: tăng cường công tác khuyến lâm kết hợp với khuyến nông, phát triển chăn nuôi, sản xuất dưới tán rừng để tạo thêm thu nhập, hỗ trợ giống cây rừng cho các hộ trồng rừng sản xuất, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ kiểm lâm địa bàn… Năm 2011, tỉnh đang gấp rút triển khai Nghị định 99/ NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính sách này sau hơn hai năm thực hiện thí điểm ở Lâm Đồng và Sơn La đã đạt được thành công, nhận được sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc, của các hộ nghèo. Hy vọng, với việc triển khai đồng bộ chính sách này, tỉnh ta sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhiều hộ gia đình sống gần rừng có điều kiện nâng cao thu nhập, đồng thời cải thiện, phát triển những diện tích rừng nghèo kiệt.
* Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc