Cảnh giác với các hiện tượng cực đoan của thời tiết trong thời kỳ chuyển mùa
Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, thời tiết Tây Nguyên đã có những dấu hiệu chuyển biến; mưa trái mùa xuất hiện ở một số nơi; đồng thời nắng nóng cũng có dấu hiệu gia tăng trong khi tình trạng khô hạn thiếu nước tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất ở nhiều địa phương, làm chậm quá trình sinh trưởng và hình thành năng suất, giảm sản lượng của nhiều loại cây trồng.
Ở Tây Nguyên, thời kỳ cuối mùa khô hằng năm là thời gian nắng nóng gay gắt nhất, nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi có thể đạt từ trên 33-350C; vùng thung lũng 35-380C. Nắng nóng là một trong những dạng thời tiết có mức độ tác động khá mạnh, diện ảnh hưởng rộng, thời gian kéo dài và luôn gây ra nhiều trở ngại cho đời sống sinh hoạt, sức khỏe của con người. Nắng nóng ở Tây Nguyên cũng được coi là hiện tượng thời tiết nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp và đã từng gây ra những thiệt hại đáng kể cho một số địa phương, nhất là ở những vùng thung lũng thấp. Do hiệu ứng phơn nên trong thời kỳ này thường có một số ngày có gió Tây khô nóng xuất hiện, mang lại nắng nóng và độ ẩm khá thấp. Nhiệt độ lúc 13 giờ trưa có thể lên đến 350C, một số vùng thung lũng hẹp có thể lên trên 370C, độ ẩm thấp nhất ngày xuống dưới 50%, có nơi xuống dưới 20%. Năm nay, các đợt gió Tây khô nóng được nhận định là ít hơn và xuất hiện muộn hơn năm 2010 nhưng do hiện tại tình hình khô hạn, thiếu nước ở nhiều khu vực còn đang khá gay gắt nên hiện tượng khô nóng có thể sẽ làm cho hạn hán trong thời kỳ cuối mùa khô càng trở nên trầm trọng hơn.
Điểm đặc thù của thời tiết Tây Nguyên là càng nắng nóng thì càng dễ xuất hiện những trận mưa dông nhiệt có kèm theo lốc tố, dông sét, có khi xuất hiện mưa đá. Trong thời kỳ cuối mùa khô ở Tây Nguyên, mưa dông thường xuất hiện nhiều vào thời gian buổi chiều hoặc chiều tối. Tác hại của dông chủ yếu là do có gió lớn, gió xoáy, có khi kèm theo mưa với cường độ lớn hoặc mưa đá. Gió lốc xuất hiện trong các cơn dông cũng dữ dội như bão tố, nó có thể nhổ bật rễ cây, làm sập và phá hủy nhà cửa, nhấc bổng xe cộ đang lưu thông trên đường rồi quăng ra xa tới và trăm mét.
![]() |
Cuối tháng 3 vừa qua đã xảy ra lốc xoáy một số vùng ở Tây Nguyên gây thiệt hại đến nhà cửa của người dân. (Ảnh: T.L) |
Hiện nay, Tây Nguyên đang là thời kỳ chuyển mùa. Các nhận định về khí tượng Thủy văn cho rằng quá trình chuyển mùa sẽ diễn ra mạnh mẽ từ khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5. Trong thời kỳ này thời tiết sẽ có nhiều biến động, là thời kỳ xảy ra nhiều mưa dông kèm theo sấm sét và gió lốc thổi mạnh, có khi có mưa đá. Đây là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại. Do đó, các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương cần chú ý đề phòng và chủ động các biện pháp hạn chế thiệt hại như chằng chống nhà cửa, tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng vận hành máy móc thiết bị điện, điện tử dùng trong sản xuất và sinh hoạt; thực hiện các phương pháp thích hợp để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng…
Ý kiến bạn đọc