Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
14:14, 06/04/2011
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc kiểm điểm việc thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Chính phủ về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, đến thời điểm này, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đã có 338 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý, không còn gây ô nhiễm môi trường (chiếm 77%), 101 cơ sở đang triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm (chiếm 23%).
Sơ chế mủ cao su, một lĩnh vực sản xuất dễ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng |
Sau 8 năm vẫn chưa xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Tuyến lý giải: nguyên nhân chủ yếu tác động đến việc xử lý các cơ sở này hiện đang là chuyện thiếu kinh phí. Ngoài nguyên nhân suy thoái kinh tế khiến các doanh nghiệp phải tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở công ích cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mặt khác, trình độ công nghệ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường vẫn ở mức thấp; một số ngành, lĩnh vực đặc thù, các cơ sở đang gặp khó khăn trong việc lựa chọn và áp dụng các mô hình phù hợp như công nghệ khử độc với các kho thuốc bảo vệ thực vật, xử lý ô nhiễm với các làng nghề, công nghệ xử lý nước thải cao su.
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng thiếu tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào vốn hỗ trợ ngân sách từ trung ương. Cá biệt, một số nơi kêu gọi đầu tư đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm thêm. Đáng lo ngại là qua rà soát trên địa bàn cả nước đã phát hiện thêm 3.856 cơ sở khác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng – ông Tuyến thông báo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ rõ tiến độ xử lý như vừa qua là quá chậm, vẫn còn 101 cơ sở chưa xử lý xong, có đến 6 địa phương trong cả nước chưa hoàn thành nhiệm vụ này, cần nghiêm khắc kiểm điểm và khắc phục. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường vẫn còn chưa đồng bộ, nhất là trong việc phối hợp, giải quyết; việc thanh kiểm tra, giám sát các cấp chưa tốt, vẫn để phát sinh vài nghìn cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới.
Sau vụ vi phạm của Vedan, khi chúng ta xử lý quyết liệt đã tạo ra sức răn đe mạnh mẽ, bản thân người tiêu dùng cũng tỏ thái độ với sản phẩm của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải xử phạt thật quyết liệt đối với các cơ sở gây ô nhiễm, nếu cố tình vi phạm đình chỉ hoạt động, đóng cửa.
Phó Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xóa bỏ những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành trong thời gian tới cần phối hợp với các địa phương tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền phổ biến các công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường; xây dựng các đề án xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng lồng ghép đề án xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm, bảo đảm đến năm 2020 không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo
Baocongthuong
Ý kiến bạn đọc