Nguyên nhân và giải pháp hạn chế sự gia tăng lũ quét và sạt lở đất ở Tây Nguyên
Tây Nguyên, những năm gần đây thiên tai lũ quét sạt lở đất đã xảy ra nhiều hơn. Hầu như mùa mưa lũ năm nào cũng xảy ra lũ ống, lũ quét, và hàng chục vụ sạt lở đất. Thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra trong những năm qua là rất lớn, nhất là những thiệt hại về người, các công trình dân sinh, công trình giao thông, thủy lợi,…
Vì sao lũ quét và sạt lở đất xuất hiện ngày càng nhiều?
Tây Nguyên là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng tác động của sự biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, yếu tố mưa (lượng mưa, phân bố mưa và cường độ mưa) có những thay đổi khá rõ nét, mà đây lại là tác nhân chính sinh lũ quét và sạt lở đất. Số liệu đo mưa ở Tây Nguyên cho thấy lượng mưa năm ở nhiều khu vực có dấu hiệu thay đổi theo hướng nơi mưa nhiều thì càng nhiều hơn và ngược lại. Chênh lệch giữa nơi ít mưa nhất và nơi nhiều mưa nhất cũng như giữa năm mưa nhiều và năm ít mưa trong thời kỳ 2000 – 2010 có sự gia tăng đáng kể so với trước đó. Đáng lưu ý nhất là hiện tượng mưa tập trung với cường độ mạnh và lượng lớn đã có tần suất xuất hiện nhiều hơn, là nguyên nhân chủ yếu làm cho loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất xuất hiện ngày càng nhiều, càng nguy hiểm hơn.
Các tỉnh Tây Nguyên có địa hình chủ yếu là đồi núi và cao nguyên, trong đó riêng địa hình có dộ dốc từ 10o trở lên chiếm gần 1/2 diện tích của khu vực. Những vùng đất dốc này, trước đây được sự che chở khá tốt của cây rừng. Nhưng những năm gần đây, rừng bị chặt phá nghiêm trọng, độ che phủ giảm sút; nhiều vùng đất dốc đã trở thành đất trống, đồi núi trọc hoặc có cũng chỉ là các loại cây có độ che phủ thấp, ít có tác dụng điều hòa dòng chảy mặt. Mất rừng, nhất là rừng ở những nơi đất dốc làm cho dòng nước mưa tập trung vào sông suối nhiều gấp 3 -5 lần và nhanh gấp 8 -10 lần khi có rừng nên lũ quét xảy ra khi có mưa lớn là khó tránh khỏi. Mất rừng, mặt đất sẽ nhanh chóng bị phong hóa, suy giảm kết cấu liên kết, vì thế khi mưa xuống, dòng nước tập trung nhanh, chảy mạnh dễ dàng làm xói lở từng mảng dẫn đến sụt lở cả một vùng rộng lớn.
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số cũng là nguyên nhân khiến lũ quét và sạt lở đất xuất hiện nhiều. Dân số tăng nhưng đất thì không tăng, con người buộc phải tìm đến nhưng nơi trước đây được coi là hẻo lánh để sinh sống và canh tác. Rừng bị đốt phá để lấy đất làm nương rẫy, làm nhà ở,.. nhiều thôn bản mới được hình thành ven suối hay sườn đồi, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao. Các hoạt động thái quá của con người đã góp phần đáng kể vào nguyên nhân hình thành và gia tăng mức độ nguy hiểm của lũ quét và sạt lở đất. Cùng với việc chặt phá rừng là việc đào bới, san ủi để xây dựng công trình, làm đường giao thông; khai thác sa khoáng; các hoạt động đắp đập tạm, ngăn sông suối để lấy nước trong mùa khô nhưng lại không trả lại trạng thái tự nhiên trong mùa mưa đã làm thay đổi diện mạo lưu vực, làm đất xung yếu dễ bị sạt lở; làm hình thành các túi nước bất đắc dĩ khi có mưa, đến khi quá tải sẽ tự vỡ liên hoàn sinh lũ quét cho hạ lưu.
Tình trạng lũ lụt đã gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của con người. (Ảnh: T.L) |
Các biện pháp phòng tránh lũ quét và sạt lở đất có khả thi phải được lựa chọn theo hai yêu cầu chính là ngăn ngừa được những thiệt hại trước mắt và lâu dài và phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội cũng như nhận thức của đại bộ phận nhân dân, trong đó cần tập trung ở một số vấn đề cơ bản sau:
Vấn đề tác động tới các nguyên nhân hình thành: Đáng quan tâm nhất là việc bảo vệ rừng – mặt đệm của lưu vực, yếu tố quan trọng liên quan đến sự tập trung dòng chảy của lưu vực. Cần làm cho mọi người dân nhận thức rõ về tầm quan trọng của rừng đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, nhất là các khu rừng có tính chất phòng hộ đầu nguồn. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động định canh định cư; tăng cường đầu tư trồng mới ở những đất trống đồi núi trọc. Hiện tại, các địa phương ở Tây Nguyên cũng đang có những hành động kiên quyết thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép để khoanh nuôi, trồng mới rừng.
Về công tác cảnh báo, dự báo sớm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất: Trước hết cần đầu tư xây dựng bổ sung lưới trạm quan trắc đo đạc, nhất là các trạm đo mưa tại các vùng đã từng có mưa lớn sinh lũ quét, sạt lở đất; nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc; nghiên cứu các hình thế gây mưa có lượng và cường độ lớn. Khảo sát cập nhật hằng năm hiện trạng lũ quét, sạt lở đất và xác định vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao; xây dựng hệ thống cảnh báo nguy cơ lũ quét,…
Về công tác xây dựng, thủy lợi, quy hoạch dân cư, bố trí sản xuất: Cần lưu ý đến các yêu cầu hiệu quả phòng chống thiên tai tổng hợp bao gồm cả thiên tai hạn hán, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất và các thiên tai khác. Trong đó, việc bảo đảm an toàn hồ chứa trong điều kiện khí hậu thủy văn và mặt đệm có sự thay đổi đáng kể so với trước đây cần được quan tâm kỹ. Khi quy hoạch khu dân cư, hay khi bố trí thời vụ sản xuất, bố trí loại cây trồng cần tuân thủ chặt chẽ tính an toàn, lâu bền giữa đời sống sinh hoạt và sản xuất. Không vì sự tiện lợi nguồn nước mà bố trí khu dân cư ở nơi thấp trũng ven suối; không bố trí trồng các loại cây ngắn ngày hay những loại cây có thể làm cho đất phong hóa, bạc màu nhanh ở những vùng đất dốc,… Chú trọng việc xây dựng các phương án bố trí tránh và hạn chế thiệt hại khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, trong đó ưu tiên trước hết là việc sơ tán, di chuyển nhân dân và tài sản ra khỏi vùng bị đe dọa. Đồng thời luôn chuẩn bị tốt về nơi ở tạm, khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, y tế,...
Về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức: cần được thực hiện thường xuyên sao cho mọi người dân đều được tiếp cận với các thông tin kiến thức phòng chống thiên tai, qua đó nhận thức được mức độ nguy hiểm của thiên tai; biết cách tự bố trí phòng tránh. Công tác tuyên truyền phải đạt hiệu quả giúp người dân hiểu rõ phòng chống thiên tai là trách nhiệm của cả cộng đồng để từ đó luôn đề cao ý thức cảnh giác, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết thủy văn, tuân thủ sự chỉ đạo chung trong các vấn đề phòng chống thiên tai của chính quyền và cơ quan chức năng; đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn.
(Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc